• Nenhum resultado encontrado

BÀI GIẢNG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG BAO BÌ THỰC PHẨM

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2021

Share "BÀI GIẢNG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG BAO BÌ THỰC PHẨM"

Copied!
58
0
0

Texto

(1)

MỤC LỤC

MỤC LỤC ... 1

Bài 1. GIỚI THIỆU VỀ BAO BÌ THỰC PHẨM ... 3

1.1. Mối quan hệ giữa bao bì và chất lượng thực phẩm ... 3

1.1.1. Khái niệm thực phẩm ... 3

1.1.2. Khái niệm bao bì thực phẩm ... 3

1.1.3. Ảnh hưởng của bao bì và chất lượng thực phẩm ... 5

1.2. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành bao bì ... 6

1.2.1. Lịch sử phát triển vật liệu bao bì ... 6

1.2.2. Các loại vật liệu bao gói thông dụng ... 7

1.2.3. Sự phát triển của các loại bao bì ... 9

1.3. Tình hình sử dụng bao bì trên thế giới và tại Việt Nam ... 11

1.4.1. Chức năng đảm bảo số lượng và chất lượng thực phẩm ... 14

1.4.2. Chức năng thông tin, giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng ... 16

1.4.3. Chức năng thuận lợi trong phân phối, lưu kho, quản lý và tiêu dùng ... 18

1.5. Phân loại bao bì thực phẩm ... 20

1.5.1. Phân loại bao bì theo thực phẩm ... 20

1.5.2. Phân loại bao bì theo tính năng kỹ thuật của bao bì ... 23

1.5.3. Phân loại bao bì theo vật liệu cấu tạo ... 23

BÀI 2. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG BAO BÌ KIM LOẠI... 27

2.1. Giới thiệu bao bì kim loại ... 27

2.1.1. Ưu điểm và nhược điểm của bao bì kim loại ... 27

2.1.2. Phân loại bao bì kim loại ... 27

2.1.3. Quy trình công nghệ chế tạo lon ba mảnh ... 28

2.1.4. Quy trình công nghệ chế tạo lon hai mảnh (hình 2.3) ... 30

2.1.5. Vecni bảo vệ lớp kim loại ... 31

2.1.6. Sự ăn mòn hóa học bao bì sắt tráng thiếc ... 31

2.1.7. Sự ăn mòn hóa học bao bì nhôm ... 31

2.2. Kiểm tra chất lượng hộp sắt ... 31

Bài 3. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG BAO BÌ THỦY TINH ... 33

(CHAI, LỌ/KEO) ... 33

3.1. Giới thiệu ... 33

3.1.1. Đặc tính chung của bao bì thủy tinh ... 33

3.1.2. Sản xuất bao bì thủy tinh ... 34

3.1.3. Các khuyết tật của bao bì thủy tinh ... 35

3.1.4. Tính chất vật lý, hóa học của bao bì thủy tinh ... 35

3.1.5. Nắp của bao bì thủy tinh ... 37

3.2. Kiểm tra lọ/keo thủy tinh ... 38

3.2.1. TCVN 7307:2007 ... 38 3.2.2. TCVN 7308:2007 ... 39 3.2.3. TCVN 7309:2007 ... 39 3.2.4. TCVN 7310:2007 ... 39 3.2.5. TCVN 7311:2003 ... 40 3.2.6. TCVN 5513:1991 ... 40

Bài 4. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CHAI NHỰA ... 41

4.1. Giới thiệu bao bì nhựa ... 41

4.1.1. Ưu, nhược điểm của bao bì nhựa ... 41

(2)

4.1.3. Nguyên tắc chế tạo bao bì nhựa ... 42

4.1. 4. Kí hiệu vật liệu plastic để phân loại và tái chế bao bì ... 43

4.2. Kiểm tra chất lượng chai nhựa ... 44

4.2.1. Kiểm tra cảm quan ... 44

4.2.2. Kiểm tra kích thước chai nhựa ... 44

4.2.3. Kiểm tra thể tích của chai... 44

Bài 5. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG TÚI PA, PE ... 45

5.1. Giới thiệu. ... 45

5.1.1. Polyethylene (PE) ... 45

5.1.2. Polyamide (PA) ... 46

5.2. Kiểm tra chất lượng túi PE, PA ... 47

Bài 6. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỘP/ TÚI SỮA UHT ... 48

6.1. Giới thiệu bao bì nhiều lớp ... 48

6.2. Kiểm tra chất lượng hộp/ túi sữa UHT ... 49

6.2.1. Kiểm tra cảm quan ... 49

6. 2.2. Kiểm tra các đường hàn của bao bì ... 49

6.2.3. Kiểm tra thể tích của bao bì (65ml, 180ml, 200ml, 250ml, 1l) ... 51

6.2.4. Kiểm tra ống hút đính trên hộp Tetrapak ... 51

Bài 7. KIỂM TRA NHÃN SẢN PHẨM ... 52

7.1. Giới thiệu ... 52

7.1.1. Phân biệt giữa nhãn hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa ... 52

7.1.2. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa ... 52

7.1.3. Nội dung của nhãn hàng hóa ... 52

7.2. Kiểm tra chất lượng nhãn sản phẩm đồ hộp ... 53

7.2.1. TCVN 7087:2008 ... 53

7.2.2. TCVN 7088:2008 ... 53

BÀI 8. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THÙNG CARTON ... 54

8.1. Giới thiệu bao bì carton ... 54

8.2. Kiểm tra thùng carton đựng sản phẩm đóng hộp sắt hoặc keo thủy tinh ... 55

8.2.1. TCVN 5117:1990 ... 55 8.2.2. TCVN 3214-79 ... 55 8.2.3. TCVN 6405:1998 ... 56 8.2.4. TCVN 4869:1989 ... 56 8.2.5. TCVN 4874:1989 ... 57 8.2.6. TCVN 5512:1991 ... 57

(3)

Bài 1. GIỚI THIỆU VỀ BAO BÌ THỰC PHẨM

1.1. Mối quan hệ giữa bao bì và chất lượng thực phẩm

1.1.1. Khái niệm thực phẩm

Thực phẩm là các loại thức ăn, đồ uống có thể ở dạng thô hoặc đã qua chế biến, được đưa vào cơ thể người bằng con đường tiêu hóa nhằm mục đích giúp cho cơ thể phát triển và tạo năng lượng cho các hoạt động. Đôi khi cũng có những loại thực phẩm chỉ nhằm đáp ứng sở thích ăn uống của một số người mà không có tác dụng bổ dưỡng.

Thực phẩm rất phong phú, đa dạng về nguồn nguyên liệu, phương pháp xử lí chế biến và mẫu mã. Do đó, mỗi loại thực phẩm có một đặc tính riêng và luôn luôn được thể hiện bởi các mặt sau:

- Dinh dưỡng

Bao gồm các thành phần: protein, tinh bột, đường, chất béo…

Tùy theo nguồn nguyên liệu, phương pháp chế biến mà thực phẩm chứa những thành phần dinh dưỡng chủ yếu khác nhau.

Thực phẩm dinh dưỡng là thực phẩm có chứa phần lớn các thành phần có thể chuyển hóa thành năng lượng, xây dựng cấu trúc cơ thể khi chúng được hấp thu vào cơ thể sống.

- An toàn vệ sinh

Tính an toàn vệ sinh của thực phẩm bao hàm ý nghĩa: thực phẩm không gây độc cấp tính cũng như mãn tính cho người sử dụng. Các độc tố có nguồn gốc hóa học hoặc vi sinh từ nguồn nguyên liệu ban đầu hay được tạo ra trong quá trình chế biến phải được loại trừ đến mức thấp hơn giới hạn cho phép, tương ứng với từng loại thực phẩm. Trong quá trình bảo quản, phân phối sản phẩm cũng phải đảm bảo tính an toàn vệ sinh.

- Cảm quan

Tính cảm quan bao gồm cấu trúc, trạng thái, màu sắc, mùi, vị sản phẩm, cũng chính là các đặc tính để tạo nên một dáng vẻ mỹ quan cho thực phẩm, tạo nên khẩu vị đặc trưng của sản phẩm đó.

1.1.2. Khái niệm bao bì thực phẩm

Bao bì là vật chứa đựng, bao bọc thực phẩm thành đơn vị để bán. Bao bì có thể bao gồm nhiều lớp bao bọc, có thể phủ kín hoàn toàn hay chỉ bao bọc một phần sản phẩm.

Bao bì phải đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, có thể phân phối, lưu kho, kiểm tra và thương mại… một cách thuận lợi.

(4)

Có thể nói rằng bao bì thực phẩm được yêu cầu một cách nghiêm khắc về cấu tạo và chất lượng.

1.1.2.1. Bao bì kín

Bao bì kín là bao bì có khả năng ngăn cách không gian chung quanh vật phẩm thành hai môi trường.

- Môi trường bên trong bao bì: là khoảng không gian tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

- Môi trường bên ngoài bao bì: là không gian bên ngoài bao bì, sẽ hoàn toàn không tiếp xúc với thực phẩm.

Bao bì kín ngăn cách môi trường ngoài không thể xâm nhập vào môi trường bên trong chứa thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm không bị biến đổi trong suốt thời hạn bảo quản.

Loại bao bì kín hoàn toàn được dùng bao bọc những loại thực phẩm chế biến công nghiệp, để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau quá trình sản xuất và trong suốt thời gian lưu hành trên thị trường cho đến tay người tiêu dùng.

Bao bì kín một lớp dùng bao gói trực tiếp thực phẩm sẽ tiện lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao trong công đoạn đóng gói bao bì. Nhưng thông thường một lớp bao bì chỉ cấu tạo bằng một loại vật liệu thì không đảm bảo độ kín hoàn toàn, do mỗi loại vật liệu đều có khuyết điểm. Do đó, bao bì thường được cấu tạo dạng ghép của nhiều loại vật liệu để khắc phục khuyết điểm của từng loại vật liệu riêng lẻ.

1.1.2.2. Bao bì hở

Bao bì hở là bao bì không có khả năng ngăn cách không gian chung quanh vật phẩm thành hai môi trường.

Bao bì hở gồm hai loại:

- Bao bì trực tiếp là bao gói trực tiếp loại rau quả hoặc hàng hóa tươi sống, các loại thực phẩm không bảo quản lâu hoặc chế biến ăn ngay. Các loại rau, hoa, quả tươi sau thu hoạch, chưa chế biến thì vẫn còn hô hấp và cần được duy trì quá trình hô hấp hiếu khí một cách thích hợp, để có thể kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trong quá trình chuyên chở tới nơi sử dụng, bao bì bao gói rau quả tươi được làm bằng vật liệu có khả năng thấm được hơi nước, oxy, carbonic. Người ta có thể đục lỗ trên bao bì để thóat khí carbonic, hơi nước và cung cấp oxy, ở mức độ cần thiết cho rau quả tươi, duy trì quá trình hô hấp hiếu khí, tránh không xảy ra quá trình hô hấp yếm khí gây hư hỏng rau quả tươi.

(5)

- Bao bì gián tiếp là lớp bọc bên ngoài lớp bao bì chứa đựng trực tiếp thực phẩm, có nhiệm vụ quan trọng là tạo sự xếp khối sản phẩm để thuận tiện, an toàn trong vận chuyển, phân phối, kiểm tra, lưu kho. Ví dụ: các loại bao bì vận chuyển, dạng thùng khối chữ nhật, bằng bìa cứng gợn sóng, các két bằng plastic đựng chai nước giải khát, bia.

Đối với các loại thực phẩm không được chế biến theo qui mô công nghiệp hoặc những thức ăn, thức uống được bao gói sẵn chỉ có thể dùng trong 24 giờ thì bao bì của chúng không thuộc phạm vi qui định trong định nghĩa bao bì trên đây.

Tính chất bao bì kín hay hở được quyết định bởi vật liệu làm bao bì, phương pháp đóng gói sản phẩm vào bao bì và cách ghép kín các mí của bao bì. Vật liệu của bao bì kín phải đáp ứng tính chống thấm tất cả các yếu tố từ môi trường bên ngoài cũng như bên trong bao bì: sự xâm nhập của không khí, oxy, carbonic, hơi nước, nước, các loại khí, mùi hương, chất béo…

1.1.3. Ảnh hưởng của bao bì và chất lượng thực phẩm

Nhiệm vụ của ngành công nghệ thực phẩm là nghiên cứu chế biến, tạo nên sản phẩm thực phẩm đạt chất lượng. Thực phẩm đạt chất lượng là sản phẩm thực phẩm đạt được các mức tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh và cảm quan. Thực phẩm đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng có nghĩa là đạt một số qui chuẩn dinh dưỡng đúng với chủng loại thực phẩm đó đã công bố hoặc đã qui định của Bộ Y tế.

Ví dụ: sản phẩm sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em phải đạt hàm lượng protein 20 ÷ 40%, cacbonhydrat 40 ÷ 50%, lipit 14 ÷ 25%. Nếu những thành phần chính của sữa bột không đạt trong giới hạn các chỉ tiêu của loại sữa qui định đã nêu thì xem như sản phẩm không đạt chất lượng về dinh dưỡng.

Để đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, sản phẩm sữa bột phải có hàm ẩm khoảng 3,5 ÷ 5% để tránh hư hỏng chất béo và tránh sự xâm nhập của oxy cũng như hơi nước vào sữa sẽ gây nên sự oxy hóa chất béo, tránh nhiễm vi sinh vật từ bên ngoài hoặc vi sinh vật tiềm ẩn trong sữa sinh độc tố trong sản phẩm, có thể gây bệnh.

Sản phẩm thực phẩm có thể bị hư hỏng, giảm chất lượng, mất đi sự an toàn đối với người tiêu dùng do nhiều nguyên nhân:

- Vi sinh vật nhiễm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, đóng bao bì, từ bao bì nhiễm vào thực phẩm hoặc từ môi trường thông qua bao bì đi vào sản phẩm.

- Tác nhân vi sinh vật sẽ tăng sinh khối, sử dụng và làm biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, đồng thời sinh ra độc tố gây mất giá trị cảm quan, giảm nhanh thành phần dinh dưỡng và tạo ra các độc tố có thể gây bệnh cấp tính hoặc mãn tính cho người sử dụng.

(6)

Các kim loại nặng như As, Hg, Sb… từ bao bì, vật liệu polyme, chất màu tổng hợp hữu cơ hay vô cơ để nhuộm màu và in lên bao bì, từ bao bì kim loại bị ăn mòn, hoặc từ các monomer hữu cơ, các chất phụ gia trong quá trình chế tạo plastic, nhiễm vào thực phẩm đều có thể gây ngộ độc mãn tính cho người sử dụng thực phẩm.

Chất lượng toàn phần của một sản phẩm chế biến được quyết định từ khâu lựa chọn nguyên liệu, phụ liệu, xử lý, chế biến và bao gói.

Qua từng công đoạn xử lý, chế biến của qui trình sản xuất, bán thành phẩm có thể được chứa đựng trong những vật chứa đựng để chờ công đoạn chế biến tiếp theo. Những vật chứa đựng này chính là những bồn chứa, thau, rổ, sọt, khay, mâm… có nắp che đậy hoặc không, tùy theo yêu cầu kỹ thuật, chúng không phải là bao bì.

Tại công đoạn bao gói, thành phẩm có thể được qua thiết bị định lượng và đóng vào từng bao bì với khối lượng hoặc thể tích nhất định, đồng đều nhau và chính xác cho từng sản phẩm. Công đoạn này nhằm mục đích dùng bao bì bảo quản thành phẩm, đảm bảo chất lượng thành phẩm sau khi ra khỏi qui trình sản xuất.

Vật liệu, cấu trúc bao bì và phương pháp đóng gói bao bì có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đồng thời sự thiết kế kiểu dáng và nhãn của bao bì cũng có tác dụng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Việc đóng gói bao bì ngoài mục đích bảo quản sản phẩm còn có ý nghĩa sắp xếp thứ lớp sản phẩm thành từng khối, kiện có khối lượng, số lượng khác nhau để thuận tiện lưu kho, dễ dàng trong kiểm tra số lượng chủng loại và chuyên chở phân phối đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng.N

1.2. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành bao bì 1.2.1. Lịch sử phát triển vật liệu bao bì

Lịch sử bao bì thực phẩm đã nói lên sự tiến bộ của công nghệ thực phẩm cùng với công nghệ vật liệu làm bao bì, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội loài người qua các thời kỳ.

Thực phẩm mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày có nguồn nguyên liệu xuất xứ từ nhiều vùng đất, nhiều quốc gia trên thế giới và được xử lí chế biến theo sự kết hợp phong thái của nhiều nền văn hóa khác nhau và biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Bao bì thực phẩm có một trong các chức năng quan trọng là chứa đựng và bảo quản thực phẩm nên đã gắn liền với nhu cầu sinh hoạt ăn uống của con người theo từng thời kỳ.

Từ thời kỳ đồ đá, vật chứa đựng thức ăn, thức uống chính là những khúc gỗ rỗng, những quả bầu bí đã để khô, vỏ sò, ốc. Sau đó, con người đã biết dùng một số bộ phận

(7)

của thú rừng để làm vật chứa đựng như: da, xương, sừng… Bên cạnh đó, họ cũng biết dệt lông thú hoặc cỏ lác thành tấm và tạo thành túi chứa đựng.

Đến thời kỳ đồ đá mới, loài người đã biết chế tạo vài đồ chứa bằng kim loại có hình dạng như chiếc sừng và phát hiện ra đất sét chế tạo đồ gốm. Hơn 4000 năm trước, người Moenjo-Daro đã biết dùng da thú bịt kín các lọ bình bằng gốm để giữ ẩm cho lúa mì, lúa mạch được chứa đựng trong đó. Khoảng 530 năm trước Công Nguyên, người dân Ba Tư đã biết dùng bình gốm sứ đựng rượu vang và nước. Bên cạnh đó, thủy tinh cũng đã được con người phát hiện rất sớm. Khoảng 1500 năm trước Công Nguyên, con người đã dùng lọ thủy tinh để chứa những chất lỏng. Năm 79 trước Công Nguyên, người La Mã đã sử dụng bình, lọ thủy tinh làm vật chứa đựng đồng thời với đồ gốm sứ. Trong thời kỳ này, hàng hóa như rượu vang xuất khẩu cũng được đựng trong bình to bằng đất sét nung. 1.2.2. Các loại vật liệu bao gói thông dụng

1.2.2.1. Giấy

Được phát minh ra nhằm mục đích thay thế cho đá, gỗ, vỏ sò, ốc, da thú mà loài người dùng để viết lên trước đó. Người Trung Quốc đã phát minh ra giấy viết đầu tiên vào năm 105, giấy được làm từ sợi lanh. Kể từ năm 751, kỹ thuật sản xuất giấy được truyền sang miền Tây Á, sau đó phổ biến ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ.

Vào thế kỷ thứ 16, người Trung Quốc đã phát minh ra giấy bìa cứng. Kỹ thuật làm giấy được phát triển không ngừng, đến giữa năm 1800 giấy bìa gợn sóng được phát minh, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành bao bì. Đến năm 1867, công nghệ sản xuất giấy từ bột gỗ xuất hiện. Giấy bìa gợn sóng được sử dụng làm bao bì ngoài cho đa số các loại sản phẩm, vì nó có tính bền cơ học rất cao, có thể bảo vệ sản phẩm chứa đựng bên trong, chống lại các tác động cơ học. Bên cạnh đó, đặc tính nhẹ của bao bì gợn sóng rất hiệu quả khi vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Ngoài ra, bao bì gợn sóng còn có thể tái sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường.

1.2.2.2. Thủy tinh

Năm 1550 trước Công Nguyên, vật liệu thủy tinh được phát minh và những chai lọ thủy tinh màu được chế tạo. Đến năm 1200 sau Công Nguyên, người ta còn dùng thủy tinh làm chất men phủ lên các sản phẩm gốm sứ. Năm 1200 sau Công Nguyên con người đã khắc vẽ trên khuôn đúc đã tạo ra vật dụng bằng thủy tinh có hình ảnh.

Công nghệ sản xuất thủy tinh qua nhiều thế kỷ đã đạt đến trình độ cao nhưng giá thành sản phẩm vẫn còn đắt. Từ thế kỷ 18 bước sang thế kỷ 19, nền khoa học kỹ thuật thế giới tiến bộ và phổ biến nhanh nên giá thành sản phẩm thủy tinh đã hạ xuống thấp.

(8)

1.2.2.3. Đồ gốm

Đồ gốm trở thành đồ gia dụng để chứa đựng thực phẩm, dùng làm chén đĩa ăn uống từ lâu đời và phổ biến khắp thế giới. Trước khi tồn tại công nghệ đóng bao bì chân không và thiết bị lạnh vào thế kỷ 19, những đồ dùng bằng gốm màu xám hoặc nâu, được trang trí bằng các oxyt kim loại màu, thường dùng để chứa những sản phẩm từ bơ và thịt muối đến rượu quả. Các thương nhân cũng dùng các bình bằng gốm để chứa đựng nhựa thông, axit và các loại chất lỏng công nghiệp khác.

Đồ gốm xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 15. Nước Đức nổi tiếng bởi những loại men sứ làm từ các loại muối vô cơ, chính men sứ đã làm cho bình gốm cứng hơn và an toàn hơn những bình gốm có lớp men chứa chì. Ngành đồ gốm đạt đỉnh cao vào thế kỷ 18 - 19, sau đó nó nhường chỗ cho các loại vật liệu và bao bì khác.

1.2.2.4. Sắt tráng thiếc

Khoảng năm 1200, những người thợ thủ công Bohemina đã phát hiện ra phương pháp mạ thiếc lên những tấm sắt mỏng. Thời kỳ đồ sắt mang lại những nguyên liệu và máy móc mới cho việc cuộn thép tấm và tráng thiếc. Sự kiện thép thay thế sắt và những hợp kim cứng khác đã tạo điều kiện sản xuất các cỡ tấm hay lá kim loại rất mỏng. Từ đó phát triển và tồn tại công nghệ chế tạo lon, hộp bằng thép tấm, nhôm, hợp kim của nhôm và đi đến hoàn hảo như hiện nay.

1.2.2.5. Nhôm

Vào năm 1825, nhà nghiên cứu Oersted sản xuất ra được những hạt nhôm đầu tiên. Việc tinh luyện nhôm rất khó khăn nên vào năm 1825, giá nhôm là 545USD/Lb. Năm 1854, Deville và Bunsen đã cải thiện phương pháp tinh luyện nhôm, do đó vào năm 1885, giá nhôm đã giảm xuống 11,33USD/Lb, tuy vẫn còn khá cao. Năm 1886, Heroult và Hall phát hiện phương pháp điện phân hiện đại hơn, dễ tách nhôm từ oxyt nhôm. Năm 1888, Bayer tìm ra phương pháp rẻ tiền hơn để tách nhôm từ quặng bô xít. Năm 1982, giá nhôm giảm xuống còn 0,5USD/Lb, năm 1942, giảm xuống còn 0,14USD/Lb. Khi giá cả ở mức hợp lý, nhôm được sử dụng cho nhiều mục đích. Đặc tính mềm dẻo của nó cho phép chế tạo lá nhôm một cách dễ dàng. Lá nhôm đầu tiên được sản xuất vào năm 1910 và trong đầu những năm 1920, kỹ thuật cuộn và in trên nhôm được hoàn thiện.

1.2.2.6. Chất dẻo

Nghiên cứu thay thế nguyên liệu cho các quả banh billard bằng ngà đã dẫn đến việc tìm ra cellulose nitrat vào năm 1845. Vào năm 1862, những hạt nhỏ đầu tiên được trưng bày tại cuộc triển lãm lớn ở Luân Đôn. Vào năm 1870, nhà nghiên cứu Hyatt, đã tạo ra celluloid, đây là hỗn hợp giữa cellulose và camphor. Đây là một thành công đầu tiên của

(9)

chất dẻo nhân tạo. Do celluloid và những sản phẩm của cellulose nitrat dễ cháy nên các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm những hợp chất khó cháy hơn như cellulose acetat có thể hòa tan aceton.

Màng acsein được giới thiệu vào năm 1899, các loại nút và khóa bằng casein – formaldehyde được dùng rộng rãi trong suốt những năm 1920.

Styren được chưng cất lần đầu tiên từ nhựa cây balsam vào năm 1831 và từ đó quá trình polyme hóa styren được chú ý. Vào năm 1866, styren được sản xuất từ bezen, được chưng cất đá. Từ thành công này styren được sử dụng rộng rãi, nhưng do tính giòn, có thể dễ vỡ gây nguy hiểm trong trường hợp làm đồ chơi cho trẻ em hay bình đựng thực phẩm. Do đó đưa đến hợp chất mới tốt hơn so với polystyren và cao su tổng hợp. Vào năm 1950, xốp polystyren (EPS) được giới thiệu và sau đó được dùng làm tấm cách nhiệt và vật liệu đệm.

Quá trình nghiên cứu cao su thiên nhiên đã dẫn đến việc phát minh ra các lớp phủ bằng cao su lên các vật liệu xây dựng.

1.2.3. Sự phát triển của các loại bao bì

Các loại thùng chứa, hộp gỗ, bình sứ, túi da, bao vải đều có từ rất lâu. Dưới đây là những bước tiến quan trọng trong sự phát triển của các loại hình bao bì phổ biến hiện nay.

1.2.3.1. Hộp kim loại

Từ sự phát triển ra thép tráng thiếc vào năm 1200, người ta đã có thể tạo ra các loại hộp kim loại. Nhưng mãi cho tới năm 1764 mới xuất hiện ở Luân Đôn các loại hộp nhỏ bằng kim loại để đựng thuốc lá. Đầu những năm 1830, diêm và bánh bích quy đều được chứa đựng trong các hộp thép tráng thiếc. Khoảng giữa năm 1850 ÷ 1900, kỹ thuật in trên kim loại được phát triển. Những chiếc hộp ban đầu được thiết kế với 8÷9 màu. Ngày nay, các loại hộp không được in nhiều hơn năm màu do chí phí cao.

1.2.3.2. Lon kim loại

Các loại hộp hình trụ được thiết kế bởi Peter Durand vào năm 1810. Những chiếc hộp đầu tiên được hàn bằng tay có chừa một lỗ đường kính khoảng 3÷4cm trên đỉnh hộp. Sau khi thực phẩm được đưa qua lỗ, lỗ được đóng lại bằng cách hàn một miếng thép. Có những trường hợp, một cái lỗ nhỏ được khoan để thóat khí trong quá trình nấu và sau đó hàn lại. Vào năm 1868, các loại vecni được chế tạo để phủ bên trong lon sắt, chống lại sự ăn mòn lon bởi thực phẩm được chứa đựng và sự hư hỏng của nhiều thực phẩm do nhiễm kim loại từ bao bì. Những chiếc lon đầu tiên được mở bằng cách dùng đục và búa. Chiếc khóa mở hộp đầu tiên được sáng chế năm 1866, dựa trên nguyên tắc đòn bẩy.

(10)

1.2.3.3. Chai lọ thủy tinh

Đặc điểm của chai lọ thế kỷ 17 và 18 là có cấu tạo đặc trưng để phân biệt nhà sản xuất và các sản phẩm chứa bên trong. Chiếc máy đúc chai tự động đầu tiên bằng phương pháp ly tâm được sản xuất lần đầu tiên năm 1889. Dưới thời nữ hoàng Victoria, các chai đựng dược phẩm có độc tính cao được thiết kế đặc biệt. Những chai lọ này được chế tạo để người sử dụng có thể nhận biết những bất thường bằng sự cảm nhận bởi giác quan. Nắp chai cũng tiến một bước dài từ dạng nắp gỗ chuốt nhọn và các loại nút được dùng từ năm 1000 trước Công Nguyên. Để đóng kín hơn, nắp chai được phủ sáp hoặc hắc ín. Năm 1930, đã có nhiều thử nghiệm dẫn đến việc sử dụng nắp bằng cao su và nhựa PE. Loại mới nhất được làm bằng nhôm và được thiết kế để có thể xé được vòng xoắn ở phía dưới, khi phần này bị rời khỏi nắp cho thấy là chai đã được mở, thường được sử dụng trong việc khằng các loại chai rượu hay nước giải khát.

Ngày nay, đa số các loại chai miệng rộng có nắp bằng thép vặn ren và được bọc lớp plastic dạng màng co nhằm khằng sản phẩm.

1.2.3.4. Hộp bằng gỗ và bìa cứng

Từ những năm 1630 cho đến thế kỷ 19, các loại hộp được chế tạo thủ công bằng các tấm gỗ mỏng hoặc giấy bìa cứng (carton), các loại nhãn hàng hóa đã được dán bên ngoài thùng, hộp dễ quảng cáo, phân biệt.

Ngày nay việc sản xuất hộp và thùng chứa bằng giấy đã trở thành một ngành thương mại quan trọng. Việc sản xuất hộp có thể bắt đầu ở Mỹ vào năm 1810, ở Anh vào năm 1817. Các loại hộp sản xuất ở thời điểm đầu thường có dạng tròn vì khó tạo góc cạnh bằng phương pháp thủ công.

Ngành làm thùng hộp carton bằng cơ giới bắt đầu vào năm 1855, dùng để đựng thuốc và kẹo. Các hộp và thùng giấy đã giúp tiết kiệm được không gian rất nhiều trong việc lưu trữ hàng hóa trong kho hay cửa hàng Vào năm 1870, Robert Gair, người đã thành công trước đó trong việc sản xuất túi giấy, đã phát minh ra máy cắt và gấp nếp tự động. Vào đầu năm 1900, các loại ngũ cốc, bánh bích quy được bao gói bằng các thùng carton có tráng sáp, in nhãn hàng hóa và các mẫu quảng cáo.

1.2.3.5. Giấy gói và nhãn hiệu

Cách bao gói bằng lá cây đã được dùng từ rất xa xưa để ngăn ngừa đất, nước và các tác nhân hư hại đối với thực phẩm. Khoảng năm 1550, các loại giấy gói đã được in tên của người sản xuất. Thuốc và thuốc lá được bán trong các bao bằng giấy vào năm 1660. Với sự xuất hiện của giấy làm bằng máy và thuật in đá, các nhãn hàng hóa được in và áp dụng cho hộp, chai, lọ, lon chứa đựng các loại sản phẩm.

(11)

Lá kim loại đã được dùng để bọc các loại chocolate từ đầu những năm 1840 đến nay. Ban đầu lá kim loại được làm bằng chì, sau đó dùng lá thép để bao bọc một số thực phẩm nhưng vào nửa sau thế kỷ 19 phần lớn lá kim loại được thay thế bằng giấy tráng sáp chống thấm và được dán nhãn hiệu.

Giấy sáp ra đời từ ý tưởng của một người thợ làm nến, ông không muốn mang con cá mới câu được về nhà được bọc bằng giấy báo thấm ướt nước. Vào năm 1877, ông thành lập một công ty sản xuất giấy sáp. Đến năm 1894, giấy phủ parafin được lót bên trong thùng carton đựng bánh quy để chống thấm chất béo ra thùng giấy và chống hút ẩm vào bánh. Sau đó vào năm 1900 giấy phủ parafin được dùng gói kẹo, bánh mì và một số thức ăn khô một cách phổ biến.

Giấy sáp xuất hiện làm thành một loại vật liệu cách ẩm tốt trước khi có sự xuất hiện của cellophane và nhôm vào năm 1912. Chẳng bao lâu sau đó, giấy sáp và các lá kim loại được kết hợp để sản xuất ra một loại bao bì tốt hơn. Cuối những năm 1950 xuất hiện các loại màng chất dẻo có thể hàn bằng nhiệt và co giãn được như polyvinychlorine, polyvinylidene chlorine, polypropylene.

1.2.3.6. Túi

Việc sản xuất các loại túi được bắt đầu vào những năm 1618 – 1648. Cơ sở sản xuất túi đầu tiên ở Anh đã thành lập vào năm 1844. Ở thời kỳ này, việc in ấn trên túi giấy được thực hiện bằng các máy in đá chạy bằng hơi nước. Vào năm 1870, những bao bì giấy có kích thước lớn được xếp, dán keo đã được thay thế bởi các bao bằng bông vải để đựng các khối lượng lớn như ngũ cốc, lương thực, các loại bột. Năm 1905, các loại túi giấy có in nhãn được sản xuất theo dây chuyền tự động và tiếp theo là túi bằng plastic ra đời, rất thông dụng so với túi giấy.

1.3. Tình hình sử dụng bao bì trên thế giới và tại Việt Nam

Sự phát triển của xã hội công nghiệp hóa đồng thời với sự phát triển của đô thị, và công nghiệp hóa nông nghiệp đã dẫn đến hiện tượng tập trung dân trong khu vực thành thị, sự gia tăng số lượng phụ nữ đi làm và việc thay đổi từ các đại gia đình ở nông thôn thành các gia đình nhỏ. Như thế, cần thiết phải có sự cải thiện hiệu quả trong phân phối hàng hóa, thực phẩm để có thể cung cấp hợp lí cho người tiêu dùng. Đây là khởi điểm của thời kỳ bao bì tiêu thụ là các bao bì bao gói từng đơn vị nhỏ thay thế cho việc bán từng khối lớn hàng hóa trước kia.

Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội đã gia tăng mức tiêu dùng của người dân và tạo nên sự thay đổi yêu cầu về hàng hóa, thực phẩm. Tất cả những điều này đã được thể hiện bằng sự gia tăng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch và cùng với nó là sự gia tăng số lượng bữa ăn ngoài trời… Ngoài ra, người tiêu dùng còn đòi hỏi thực phẩm phải

(12)

có sự thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng sao cho thuận lợi phù hợp với từng trường hợp khác nhau và đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ví dụ như trẻ em đến trường đem theo hộp sữa tiệt trùng sẽ thuận lợi và vệ sinh hơn. Đồng thời, nhà sản xuất cũng quan tâm thu hút sự chú ý của khách hàng bằng việc tiếp thị thông qua bao bì. Vì vậy, ngày nay bao bì được sử dụng như là một công cụ của quá trình marketing để đạt được giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều này giải thích tại sao trong xã hội hiện nay, chi phí cho bao bì thực phẩm trong tổng chi phí chung của ngành sản xuất thực phẩm là cao nhất. Từ đó đưa đến sự cạnh tranh cao độ nhằm giảm giá thành sản phẩm và yêu cầu vật liệu bao bì đạt tính năng cao. Những yêu cầu này đã được thỏa mãn bởi sự tạo ra các vật liệu bao bì và hệ thống đóng gói mới. Các loại bao bì đa dạng về cấu trúc, cách trang trí, thông tin, khối lượng khác nhau, đem lại nhiều thuận lợi trong quá trình bảo quản, sử dụng, phân phối, kiểm tra sản phẩm.

Hầu hết nhu cầu hàng hóa thực phẩm của các gia đình được đáp ứng thông qua hệ thống siêu thị. Sự tăng trưởng nhanh chóng phương thức phân phối tự phục vụ là nhờ vào bao bì hiện đại. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí phân phối, mà còn bảo quản thực phẩm tránh được sự hư hỏng, đưa đến hiệu quả sản xuất tăng cao, hỗ trợ cho việc cạnh tranh về giá cho các sản phẩm cuối cùng. Chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, tỉ lệ hư hỏng của sản phẩm tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và các quốc gia đang phát triển là 5% và 50%, nếu tỉ lệ này càng hạ thấp thì càng tạo nhiều cơ hội cho việc cải thiện mức sống, giảm giá thành sản phẩm cuối cùng.

Với phương hướng chiến lược phát triển bao bì ngành thực phẩm, sản xuất thực phẩm của đất nước chắc chắn sẽ có bước phát triển nhảy vọt về qui mô sản xuất, về ngành nghề, trình độ chế biến, về sản lượng và tỉ suất hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, chế biến đa dạng. Sự phát triển này sẽ kéo theo sự phát triển tất yếu về qui mô và trình độ phân phối trong thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế. Nước ta trong những năm gần đây, kinh tế phát triển nhu cầu tiêu dùng ngày càng được nâng cao, trong đó nhu cầu về thực phẩm chế biến đạt chất lượng cao để tiêu dùng và xuất khẩu tăng lên mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển qui mô công nghệ bao bì đa dạng và đạt chất lượng cao.

Sự chuyển biến có tính chiến lược của công nghệ thực phẩm đã yêu cầu ngành bao bì phát triển mạnh mẽ về lượng cũng như chất với màng nguyên liệu plastic đơn, màng phức hợp hoặc lon thép tráng thiếc, chai lọ thủy tinh, nhựa, những thùng chứa bằng bìa cứng gợn sóng và bìa cứng các loại...

Riêng đối với vật liệu làm bao bì bằng plastic, mức sản xuất và tiêu dùng trung bình tính trên đầu người tăng ở các nước phát triển và càng tăng cao ở những nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng vật liệu plastic tăng cao.

(13)

Mức tiêu dùng cao hơn mức sản xuất trong một năm của một quốc gia do bao bì từ hàng hóa thực phẩm nhập khẩu.

Xu hướng hiện nay của ngành bao bì:

- Sản lượng plastic nhiệt dẻo ngày càng tăng cao.

- Kỹ thuật sản xuất màng plastic, bao bì bằng vật liệu plastic ghép ngày càng phát triển mạnh.

- Bao bì phải đáp ứng được 3 chức năng chính là bảo vệ hàng hóa thực phẩm bên trong, thông tin và thuận tiện trong quản lý, tiêu dùng, hạn chế được sự ô nhiễm môi trường bởi bao bì phế thải. Do đó bao bì cần được cấu tạo bởi vật liệu có khả năng tái sinh, để đảm bảo cho việc tái sinh, cần ghép hai trong nhiều loại nguyên lịêu có thành phần giống nhau, tránh tối đa việc pha trộn các loại nguyên liệu plastic vào nhau, cấu trúc màng phổ biến nhất là màng ba lớp, được sản xuất tuân theo các luật về bảo vệ môi trường như bao bì được ghi tên loại plastic cấu tạo ở dưới đáy để tiện phân loại sau khi thu hồi và tái sinh.

Trải qua các thời kỳ, cách trình bày bao bì để có thể hấp dẫn người tiêu thụ luôn rất được coi trọng, như sử dụng bao bì trong suốt để khách hàng có thể nhìn thấy sản phẩm bên trong. Năm 1990 Pháp đã sử dụng các loại axit nhẹ (như axit amin) chảy từ con cá thấm qua phía dưới mâm đục lỗ gặp một túi nhỏ đựng cacbonat canxi hay cacbonat natri, phản ứng sinh ra nhiều khí CO2 để bảo vệ sản phẩm chống oxy hóa. Ở Nhật sử dụng chất

hấp thụ oxy đựng trong túi nhỏ rồi cho vào bao bì chứa các lát cá khô trước khi hàn miệng, bao nhỏ này sẽ hấp thụ hết khí oxy và sẽ làm giảm sự hư hỏng, kéo dài thời gian bảo quản. Một số loại thực phẩm như rau xà lách ăn liền cần được đóng bao bì có bơm khí, làm bằng vật liệu plastic OPP. Rau quả tươi sống vẫn còn hô hấp, do đó trong bao bì chứa đựng rau quả cần phải có lượng oxy vừa đủ để duy trì và kéo dài sự sống của rau quả.

1.4. Chức năng của bao bì thực phẩm

Đặc tính của bao bì thực phẩm thể hiện qua ba chức năng quan trọng sau: - Đảm bảo số lượng và chất lượng thực phẩm.

- Thông tin, giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. - Thuận tiện trong phân phối, lưu kho, quản lý và tiêu dùng.

(14)

1.4.1. Chức năng đảm bảo số lượng và chất lượng thực phẩm

Bao bì làm nhiệm vụ chứa đựng một số lượng nhất định và bảo quản thực phẩm từ sau quá trình chế biến cho đến khi được tiêu thụ bởi người tiêu dùng. Chức năng đầu tiên của bao bì là đảm bảo đúng về số lượng, nguyên vẹn về trạng thái, cấu trúc, màu sắc, mùi, vị, thành phần dinh dưỡng cho thực phẩm được chứa đựng bên trong bao bì.

- Bao bì đảm bảo thực phẩm được chứa đựng bên trong không thay đổi về khối lượng hay thể tích

- Chất lượng của sản phẩm thực phẩm, gồm cả mặt dinh dưỡng, an toàn vệ sinh, cảm quan, phải luôn được đảm bảo trong suốt thời hạn sử dụng của sản phẩm. Do đó, mà công nghệ chế biến, phương pháp đóng bao bì và vật liệu bao bì phải phù hợp để có thể duy trì và ổn định chất lượng sản phẩm. Thực phẩm sau khi được xử lí chế biến phải được đóng bao bì kín nhằm tránh hay ngăn cản hoàn toàn tác động của môi trường bên ngoài đến thực phẩm trong suốt thời hạn sử dụng. Tác nhân từ môi trường ngoài có thể xâm nhập vào bên trong bao bì gây hư hỏng thực phẩm gồm: nước, hơi nước, không khí, vi sinh vật, đất, cát bụi, côn trùng và tác động của lực cơ học, ánh sáng bao gồm ánh sáng thấy được và tia cực tím, sự chiếu xạ, nhiệt độ.

Vi sinh vật có thể xâm nhập vào thực phẩm thông qua sự xâm nhập của nước, hơi nước, không khí. Ánh sáng là tác nhân xúc tác cho một số phản ứng oxy hóa khử, các phản ứng sinh hóa tạo ra gốc tự do có thể gây độc cho cơ thể, các gốc tự do tạo phản ứng dây chuyền và phân cắt các mạch polyme gây biến đổi thành phần dinh dưỡng và các chất dinh dưỡng và các chất màu, mùi.

Nhiệt độ được áp dụng để bảo quản sản phẩm, tùy theo quy trình công nghệ xử lý chế biến và thành phần của sản phẩm mà áp dụng nhiệt độ bảo quản khác nhau. Cần quan tâm đến bao bì của những sản phẩm lạnh đông như hải sản, kem ăn. Thủy sản cấp đông phải được bảo quản ở -180C, vật liệu bao bì cho sản phẩm này phải không thay đổi

đặc tính ở môi trường lạnh đông -35  -400C và môi trường bảo quản -180C. Ngoài điều kiện nhiệt độ đặc biệt như trên, các nhiệt độ bảo quản thực phẩm khác đều gây tác hại, biến đổi đặc tính của các loại vật liệu bao bì.

Nước, hơi nước sẽ làm tăng hàm lượng ẩm của những thực phẩm khô, những loại có hàm lượng ẩm thấp. Sự tăng hàm lượng ẩm của thực phẩm là nguyên nhân gây hư hỏng thực phẩm, vì tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Vi sinh vật gây hư hỏng thực phẩm sẽ làm biến đổi các thành phần dinh dưỡng của thực phẩm và tiết độc tố vào thực phẩm. Bên cạnh đó, những vi khuẩn gây bệnh có thể tạo một sinh khối vượt hơn mức qui định. Những hiện tượng này dễ dàng gây bệnh cấp tính đường tiêu hóa hoặc bệnh mãn tính, đối với người ăn phải thực phẩm này.

(15)

Sự tăng hàm ẩm của thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cảm quan: thực phẩm dạng bột mịn bị mất dạng khô xốp, mà trở nên vón cục. Hàm ẩm cao còn tạo sự thuận lợi cho sự thủy phân chất béo, từ đó có thể tạo nên những gốc tự do khởi đầu cho quá trình oxy hóa chất béo, sinh ra những thành phần độc hại cho cơ thể.

Sự xâm nhập của không khí, trong đó có oxy tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình oxy hóa chất béo không no, chất màu, chất mùi, vitamin và các hoạt chất sinh học khác. Chính sự xâm nhập của oxy và sự xúc tác của ánh sáng gây tổn thất vitamin, biến đổi các chất màu làm giảm giá trị cảm quan của sản phẩm. Khí oxy cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển gây hư hỏng thực phẩm và gây bệnh.

Chỉ nói riêng các loại côn trùng như kiến, gián xâm nhập vào thực phẩm cũng là nguồn đem ô nhiễm của các tác nhân vi sinh vật. Đất cát, bụi khiến thực phẩm bị giảm giá trị cảm quan.

Tác động của lực cơ học, chính là do va chạm trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ hoặc bị rơi, thường khiến cho thực phẩm khô bị vỡ vụn, mất giá trị thực phẩm cũng như cảm quan nhưng cũng chính tác động cơ học có thể gây hư hỏng bao bì, làm cho bao bì không còn đảm bảo độ kín hoặc bị trầy xước bề mặt gây mất cảm quan và giá trị thương phẩm. Như vậy bao bì kín chứa đựng thực phẩm, thực hiện nhiệm vụ phòng chống tất cả các tác động từ môi trường ngoài. Sự phòng chống này phụ thuộc vào vật liệu làm bao bì, phương pháp đóng gói bao bì và mối hàn ghép mí hoặc mối ghép giữa các bộ phận như thân và nắp, độ bền vững của bao bì ngoài.

Đối với trường hợp thực phẩm được đóng bao bì hay chứa đựng trong nhiều lớp bao bì có thể chỉ cần một lớp bao bì trong cùng kín, lớp ngoài làm nhiệm vụ chống tác động va chạm gây trầy xước mặt ngoài của lớp bao bì kín.

Sản phẩm sau khi đóng vào bao bì plastic, hàn ghép mí thì được cho vào hộp giấy bìa cứng để tránh va chạm có thể làm nhàu hoặc thủng bao bì plastic. Phương pháp bao gói hai lớp như vậy tạo nên thuận lợi trong sắp xếp, có thể xếp khối dễ dàng trong khi chuyên chở, phân phối, lưu kho và còn đảm bảo an toàn cho bao bì kín đựng sản phẩm.

Ngoại trừ thực phẩm tươi sống như rau quả thì các loại thực phẩm đã qua xử lý, chế biến phải được đóng bao bì kín. Bao bì kín có loại có thể tái đóng, tái mở, nhưng trước khi đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm không được mở bao bì, đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, họ phải tạo nên những cách niêm phong từ sau khi đóng bao bì. Đồng thời người mua hàng hay người tiêu dùng phải nhận thức được điều này và không mở bao bì sản phẩm trước khi mua hàng. Do đó, mà người mua hàng không thể sờ, nếm, ngửi, thực phẩm trong bao bì đang bày bán mà chỉ nhận thức chất lượng và sự tin cậy của sản phẩm qua bao bì thể hiện bởi cấu tạo và thông tin của bao bì.

(16)

Việc đánh giá cảm quan sản phẩm không thể áp dụng lúc mua, chọn lựa hàng hóa đang bày bán mà đánh giá bằng nhận thức thông qua bao bì thể hiện ở hai chức năng kế tiếp:

- Thông tin, giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng - Thuận lợi trong phân phối, lưu kho, quản lí và tiêu dùng

1.4.2. Chức năng thông tin, giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng

Bao bì chứa đựng thực phẩm cũng thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông tin của nhà sản xuất đến người tiêu dùng, nói lên giá trị của sản phẩm được chứa đựng bên trong như: đặc tính của sản phẩm về dinh dưỡng, trạng thái, cấu trúc, mùi, vị, nguồn nguyên liệu, nhà sản xuất, địa chỉ quốc gia chế biến ra sản phẩm. Đồng thời bao bì cũng là lời mời của nhà sản xuất đối với khách hàng.

Sản phẩm thực phẩm tự thông tin, giới thiệu thu hút khách hàng thông qua nhãn hiệu, hình thức bao bì và kết cấu bao bì. Nhãn hàng hóa bao bì được qui định chặt chẽ theo các qui định của nhà nước phải thể hiện được đặc tính thực phẩm, nhà sản xuất, quốc gia sản xuất, sự đảm bảo chất lượng thực phẩm chứa đựng bên trong.

Cách trình bày hình ảnh, màu sắc, thương hiệu, tên sản phẩm, chính là sự thu hút của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Bao bì luôn luôn được trang trí, trình bày với hình thức đẹp, nổi bật, nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng, thăm dò, tìm hiểu và dùng thử; do chính chất lượng của thực phẩm chứa đựng bên trong sẽ tạo lòng tin đối với khách hàng. Sản phẩm hàng hóa có vẻ đẹp nổi bật thì dễ thu hút người tiêu dùng hơn những hàng hóa không được trang trí hài hòa, thích hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Người ta không dùng màu sắc mang tính ảm đạm, buồn bã để trang trí bao bì, tính chất của màu sắc có thể phụ thuộc từng địa phương, dân tộc. Thường bao bì được trang trí màu sắc sao cho thể hiện được sự trong sáng, vui tươi, may mắn hoặc thắng lợi. Với hàng hóa xuất khẩu, việc trình bày, ghi nhãn, trang trí, màu sắc cần được quan tâm sao cho phù hợp với người tiêu dùng nơi sản phẩm được xuất đến.

Ý nghĩa màu sắc của một số quốc gia:

- Tại Pháp, các màu đỏ, màu đen, vàng chỉ sản phẩm mang chất lượng cao, màu xanh da trời có ý sự tươi mát, màu xanh lá cây biểu hiện cảm giác nghỉ ngơi.

- Màu trắng đối với Trung Quốc thể hiện sự buồn bã tang thương nhưng đối với Pháp thì có ý nghĩa tinh khiết, sạch sẽ.

(17)

- Màu đen tránh không nên dùng ở Đài Loan nhưng lại là màu nghiêm trang ở Nhật Bản, người Nhật có tập quán mặc y phục màu đen để tham dự các buổi lễ quan trọng, lễ cưới.

- Màu tím (tím ngã đỏ) đối với Nhật là màu tượng trưng cho chức sắc trong tôn giáo, cũng là màu của Hoàng tộc thường dùng.

- Màu đỏ là màu được ưa chuộng, màu biểu tượng cho sự thành công, đối với xã hội như: Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan.

- Màu vàng đất thường nên tránh dùng ở một số quốc gia như Nhật, Mã Lai, Singapore vì đó là màu trong y phục Hoàng tộc, tôn giáo.

- Ở Việt Nam thường không dùng hai hoặc ba màu: tím, trắng, đen đi cùng nhau. Việt Nam không ưa chuộng màu đen.

Bên cạnh đó một số quốc gia dùng các biểu tượng: - Hoa cúc là một trong những biểu tượng cao quí ở Nhật - Hoa phong lan được ưa chuộng ở Thái Lan

- Voi là biểu tượng quốc gia cho Thái và tượng trưng cho sức mạnh ở Đài Loan - Rồng tượng trưng cho vua, chúa, hoàng tộc, sức mạnh đối với Trung Quốc

- Bò là một trong những biểu tượng cao quý trong tín ngưỡng ở Ấn Độ, Mã Lai, Singapore, do đó tránh dùng các hình ảnh này.

Chúng ta không nên lạm dụng những màu sắc hoặc những biểu tượng của các quốc gia khác, cũng như không dùng hình ảnh màu sắc có ấn tượng xấu gây ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng nơi hàng hóa phân phối, xuất khẩu.

Kết cấu của bao bì cho biết trạng thái, cấu trúc, màu sắc của sản phẩm như trường hợp bao bì có một phần hoặc hoàn toàn trong suốt cho phép nhìn thấy thực phẩm bên trong, đều nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng, giúp họ có sự lựa chọn dễ dàng như trường hợp thịt tươi sống được bao gói trong suốt để nhìn thấy thớ thịt, thành phần mỡ nạc, màu sắc của thịt. Đối với trường hợp thực phẩm cần tránh ánh sáng thì bao bì được cấu tạo che chắn một phần hay toàn bộ ánh sáng: bao bì có thể ở dạng trong suốt nhưng có màu tối để ngăn cản bớt cường độ ánh sáng.

Ví dụ: sản phẩm sữa bột chứa hàm lượng chất béo và vitamin cao, được chứa đựng trong bao bì tránh ánh sáng hoàn toàn sẽ tốt hơn là dùng bao bì trong suốt cho ánh sáng xuyên qua. Trường hợp sản phẩm dầu ăn dạng lỏng trong suốt có màu vàng nhạt, cần chống oxy hóa do tác nhân ánh sáng gây ra, theo lý thuyết như thế thì bao bì dầu ăn phải

(18)

có thành đục không thể nhìn xuyên thấu sẽ tốt hơn là dùng chai lọ trong suốt. Thực tế, dầu ăn được sản xuất công nghiệp đã được tinh luyện loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây thủy phân, oxy hóa trong dầu và có sử dụng một số phụ gia chống oxy hóa; do đó dầu tinh luyện được đựng trong chai lọ trong suốt vẫn có khả năng chống oxy hóa tốt. Điều này rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng vì họ nhìn thấy được trạng thái của dầu lỏng bên trong: độ trong suốt, cặn (nếu có), màu vàng nhạt hay đậm, sự tách lớp có khuynh hướng đông rắn của chất béo…Từ đó người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm.

Như vậy, tự bao bì đã giới thiệu được chất lượng cảm quan của dầu, thể hiện được chất lượng chung của dầu ăn.

Trong trường hợp bao bì chứa đựng thực phẩm đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm và cấu tạo thuận tiện trong phân phối, tiêu thụ, có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, nhưng nếu có cách trang trí, màu sắc không hài hòa, không đáp ứng tâm lý sở thích người tiêu dùng thì cũng không thể được chấp nhận trên thị trường. Có thể thấy ở Việt Nam hay các quốc gia khác, vào dịp lễ tết những sản phẩm thực phẩm được bày bán trong những bao bì có trang trí kèm theo những câu chúc tụng, biểu tượng cho sự may mắn thành công thì được người dân ưa chuộng, vì như thế đáp ứng được đúng tâm lý của người mua quà để sử dụng và người mua quà để biếu tặng. Do vậy, thông tin, giới thiệu sản phẩm, thu hút người tiêu dùng là chức năng quan trọng không thể thiếu của bao bì thực phẩm.

1.4.3. Chức năng thuận lợi trong phân phối, lưu kho, quản lý và tiêu dùng

Bao bì phải được thiết kế thuận tiện, tiết kiệm cho sự bảo quản sản phẩm, phân phối, lưu kho, quản lý, và tiêu dùng. Do đó, bao bì ngoài việc chứa đựng trực tiếp sản phẩm, thì cần phải chọn vật liệu, cấu trúc, thể tích theo khẩu phần, theo tính năng của thực phẩm được chứa đựng; bên cạnh đó cần chọn lớp bao bì ngoài kín hoặc hở để thực hiện được chức năng thứ ba của bao bì thực phẩm. Bao bì ngoài được chọn và thiết kế theo các nguyên tắc:

- Bền vững, chắc chắn

- Dạng khối chữ nhật chứa một số lượng lớn và nhất định đối với một hoặc nhiều chủng loại thực phẩm

- Có thể chứa đựng nhiều chủng loại thực phẩm

Để dễ dàng phân phối, vận chuyển thì bao bì được cấu trúc hình khối chữ nhật để dễ xếp khối, đóng thành kiện, có kích thước như nhau, để tiện xếp vào kho, chất chồng lên cao tránh được sự tốn mặt bằng kho và cũng tạo sự dễ dàng, nhanh chóng trong khi

(19)

bốc dỡ, vận chuyển bằng băng tải, bằng xe và kiểm soát số lượng. Do đó, những loại bao bì trực tiếp bao bọc thực phẩm, có dạng hình trụ đáy tròn hoặc đáy tam giác, có dạng túi hay một dạng bất kỳ luôn luôn cần có lớp bao bì phụ, dạng bao bì hở hoặc kín bao bọc bên ngoài để bảo vệ cho lớp bao bì này, để tạo thành những khối chữ nhật nhỏ, từ những khối chữ nhật này lại được xếp vào một bao bì dạng khối chữ nhật lớn hơn. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong thiết kế bao bì sản phẩm.

Bên cạnh sự thuận lợi trong vận chuyển, cách bao bì nhiều lớp tạo hình khối cũng giúp sản phẩm tránh hoặc giảm những ảnh hưởng của va chạm cơ học, có thể gây ra hư hỏng cấu trúc, trạng thái sản phẩm thực phẩm.

Sự tạo thành khối, thành kiện chứa đựng một số lượng sản phẩm nhất định như trên cũng tạo điều kiện quản lý hàng hóa một cách dễ dàng hiệu quả cao.

Độ bền cao của bao bì ngoài bảo vệ sản phẩm được chồng chất cao trong kho; trong trường hợp rau quả thì sự sắp xếp này vẫn bảo quản được rau quả trong môi trường lạnh có độ ẩm cao và thích hợp cho vận chuyển đường xa.

Bao bì có tính năng ổn định từng kiện, từng khối khi xếp thành các kiện cao trong kho, hệ thống bao bì ngoài này có thể thu hồi để tái sử dụng và sau đó có thể tái sinh.

Bao bì ngoài có thể tái sử dụng, tái sinh dễ dàng trong trường hợp bằng vật liệu giấy bìa cứng. Các loại bao bì khối chữ nhật chứa đựng một số lượng nhất định thường được cấu tạo bằng giấy bìa cứng có tráng phủ một lớp plastic để tránh thấm nước, tránh gây hư hỏng bao bì giấy, đồng thời lớp plastic phủ còn tạo độ trượt tương đối cho các thùng để có thể tháo rời chúng một cách dễ dàng từ khối hàng hóa đang chất chồng.

Bên cạnh đó, từng bao bì chứa đựng thực phẩm theo khẩu phần như lượng sử dụng một lần cho một người được ghép thành một khối nhỏ, rồi từng khối nhỏ lại xếp vào trong một thùng lớn. Bao bì chiết rót thực phẩm theo khẩu phần như sữa tươi tiệt trùng, các bao bì chứa đựng thực phẩm vừa cho một người sử dụng một lần hoặc những bao bì chứa đựng thực phẩm với số lượng lớn để nhiều người cùng sử dụng, lượng thực phẩm đóng vào bao bì đáp ứng theo từng trường hợp của người tiêu dùng đem lại tiện ích cho một xã hội công nghiệp hóa.

Nhiều chủng loại được sắp xếp chung trong một bao bì. Chúng được sắp xếp theo từng loại, từng vị trí để tạo vẽ mỹ quan, thu hút người sử dụng.

Thuận tiện trong việc sử dụng: bao bì được chọn lựa từ vật liệu chế tạo đến thiết kế kiểu dáng, kích thước, kiểu đóng mở của nắp… để đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất. Ví dụ: các sản phẩm ăn liền, bánh kẹo… được đóng trong các bao bì bằng vật liệu OPP để có thể xé mở một cách dễ dàng.

(20)

Với những thực phẩm có tính chất hóa lý, tính chất cảm quan khác nhau, thì chúng phải được bao gói riêng biệt để tránh ảnh hưởng không tốt cho nhau: (ví dụ: bánh có độ ẩm cao phải bao gói riêng từng cái để đảm bảo độ ẩm ban đầu và không làm tăng hàm ẩm của những loại bánh có độ ẩm thấp hoặc bánh có mùi mạnh cũng cần được bao gói riêng để chống thóat hương).

Trên bao bì kín hoặc hở, trực tiếp hay gián tiếp đều có ghi mã số, mã vạch, để quản lý tốt về số lượng, chủng loại. Hiện nay công tác quản lý được đơn giãn và chính xác nhờ vào hệ thống mã số, mã vạch, thiết bị scanner và hệ thống máy vi tính; dữ liệu được nhập và truy xuất một cách nhanh chóng.

1.5. Phân loại bao bì thực phẩm

Đất nước ta trong những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng được nâng cao, trong đó nhu cầu về thực phẩm chế biến đạt chất lượng cao tăng lên mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển công nghệ bao bì với quy mô lớn, đa dạng, phong phú và đạt chất lượng cao. Ngành công nghệ thực phẩm phát triển đã yêu cầu ngành bao bì phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Hiên nay có 3 cách phân loại bao bì phổ biến.

1.5.1. Phân loại bao bì theo thực phẩm

Các loại thực phẩm khác nhau sẽ có sự khác nhau về đặc tính dinh dưỡng, đặc điểm cấu trúc, màu sắc, mùi vị, hàm ẩm... Do đó, khả năng xâm nhập và sinh trưởng của vi sinh vật vào thực phẩm cũng khác nhau. Sản phẩm thực phẩm vô cùng đa dạng về chủng loại, có thể phân loại bao bì theo loại thực phẩm:

- Bao bì của sản phẩm bánh.

- Bao bì của sản phẩm nước ngọt có gas, nước ép quả. - Bao bì của sản phẩm bia.

- Bao bì của sản phẩm rượu.

- Bao bì của sản phẩm sữa tươi, sữa bột và các sản phẩm khác từ sữa. - Bao bì của sản phẩm dầu thực vật.

- Bao bì của sản phẩm trà, cà phê, ca cao.

- Bao bì của sản phẩm kẹo cứng và kẹo mềm, mứt, chocolate.

- Bao bì của sản phẩm rau quả tươi sống, các sản phẩm khác từ rau quả. - Bao bì của sản phẩm bột, đường, ngũ cốc.

(21)

- Bao bì của sản phẩm thủy sản đông lạnh.

Những vật liệu có tính chống thấm khí, chống thấm hơi nước cao đều có thể ngăn cản được môi trường ngoài xâm nhập vào thực phẩm. Tùy theo đặc tính, trạng thái của thực phẩm dạng lỏng, đặc sánh, dạng rắn, dạng hạt, bột mịn mà chọn cấu trúc bao bì thuận tiện cho người tiêu dùng, nếu thực phẩm có mùi thơm (hương) mạnh như trà, cà phê, ca cao… hoặc dễ hấp thụ mùi khác thì phải dùng vật liệu bao bì có tính ngăn cản sự thẩm thấu hương qua màng. Ngoài ra, tùy theo đặc tính dinh dưỡng về hàm lượng vitamin, đặc tính cảm quan về màu, mùi mà sản phẩm cần phải tránh ánh sáng, để tránh tổn thất các thành phần này cần cấu tạo bao bì dạng đục hoặc có màu cản quang.

Bánh bích quy thường có hình dạng nhất định như vuông, chữ nhật, tròn… có cấu trúc giòn, dễ vỡ nát, có chứa chất béo, ẩm độ thấp, có hương thơm đặc trưng cho từng loại. Do đó, bánh cần sắp xếp có thứ tự lớp với số lượng nhất định trong khay plastic có độ cứng vững, không thấm chất béo, rồi cho vào bao bì plastic một lớp hoặc màng ghép 2÷3 lớp (plastic, giấy nhôm, plastic) để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, tính thuận lợi trong hàn ghép mí bao bì và dễ dàng mở bao bì để sử dụng. Nhưng để sản phẩm hấp dẫn khách hàng thì cần có phần trong suốt có thể nhìn thấy một cách rõ ràng sản phẩm bên trong và có phần đục để có thể in chữ, nhãn hiệu. Lớp bao bì ngoài bằng giấy bìa cứng hoặc hộp thép tráng thiếc để tăng độ cứng vững, bảo vệ lớp bao bì kín bên trong.

Hình 1.1. Bao bì sản phẩm bánh kẹo

Thực tế, nhiều chủng loại thực phẩm khác nhau được bao gói cùng một loại bao bì, sử dụng cùng một kỹ thuật đóng gói hoặc một loại thực phẩm có thể đóng trong bao bì bằng các loại vật liệu khác nhau sao cho những loại bao bì này đáp ứng được tính năng đặc trưng của thực phẩm chứa đựng.

Ví dụ như sản phẩm cá, thịt, thủy sản, rau quả, sữa bột, bơ, bánh kẹo, nước giải khát có gas, nước ép quả… chứa đựng trong bao bì bằng kim loại.

(22)

Hình 1.2. Bao bì sản phẩm đồ hộp

Sản phẩm nước giải khát có thể chứa đựng trong bao bì bằng plastic, kim loại, thủy tinh, bao bì ghép nhiều lớp…

Hình 1.3. Bao bì sản phẩm nước giải khát

Do đó, phân loại bao bì theo loại thực phẩm không thể hiện được tính năng đặc trưng của từng vật liệu bao bì.

(23)

1.5.2. Phân loại bao bì theo tính năng kỹ thuật của bao bì

Sự phân loại này đặt trên cơ sở tính chất đặc trưng của thực phẩm. Từ đó chỉ ra tính cần thiết, đặc trưng của bao bì bao gói thực phẩm đó. Có thể phân loại theo tính năng kỹ thuật của bao bì:

- Bao bì chịu nhiệt (t0cao/ t0thấp)

- Bao bì chịu áp suất (áp suất dư / áp suất chân không) - Bao bì chịu lực (cứng vững / mềm dẻo)

- Bao bì thấu quang và cản quang - Bao bì tetrapak…

Bao bì chịu nhiệt: yêu cầu vật liệu bền cơ ở nhiệt độ thấp hoặc cao, bao bì không bị giòn, vỡ, rách…

Bao bì chịu áp suất chân không hoặc áp suất dư và bền cơ đi đôi với tính mềm dẻo để bao bì có thể áp sát bề mặt thực phẩm, không bị vỡ rách, trong đó bao gồm tính chống thấm khí, chống thấm nước.

Bao bì chịu lực: yêu cầu vật liệu có độ cứng vững cao, không mềm dẻo, co giãn và vẫn bảo đảm tính chống thấm khí hơi cao dưới một áp lực cao.

Bao bì thấu quang và cản quang: bao bì kim loại, plastic được phủ màu đục hay chai lọ thủy tinh có màu nâu hay xanh lá cây.

Bao bì tetrapak: bao bì vô trùng như sản phẩm sữa tươi, nước ép trái cây.

Tóm lại, phân loại theo tính năng kỹ thuật của bao bì phụ thuộc vào đặc tính vật liệu bao bì và cấu tạo bao bì.

1.5.3. Phân loại bao bì theo vật liệu cấu tạo

Mỗi loại hàng hóa thực phẩm đều có đặc tính riêng, do đó chúng có yêu cầu bảo quản riêng, nhưng cần phải chứa đựng trong bao bì kín. Sự lựa chọn loại bao bì kín thích hợp với sản phẩm được căn cứ vào đặc tính dinh dưỡng, cấu trúc của loại thực phẩm, quy trình chế biến, sản phẩm xuất khẩu hay nội địa… Do đó, cần lựa chọn vật liệu bao bì thích hợp. Vật liệu bao bì bao gồm:

- Bao bì bằng giấy. - Bao bì bằng gỗ. - Bao bì bằng kim loại.

(24)

- Bao bì bằng plastic. - Bao bì bằng thủy tinh. - Bao bì sành sứ.

- Bao bì bằng màng ghép nhiều loại vật liệu.

Mỗi loại vật liệu sẽ có đặc tính khác nhau. Vì vậy phương pháp chế tạo kiểu dáng bao bì và phương pháp đóng gói bao bì theo từng loại vật liệu sẽ khác nhau nhưng phải đảm bảo độ kín cho từng sản phẩm đã chế biến.

Bao bì giấy có đặc tính nhẹ, dễ in ấn, trang trí, dễ phân hủy và tái sinh dễ dàng không gây ô nhiễm môi trường, dễ thấm khí, thấm nước, dễ xé rách khi độ ẩm môi trường trên 60÷70% và không thể niêm phong bằng nhiệt. Do đó, bao bì giấy là bao bì hở, thường dùng làm bao bì ngoài thuận tiện trong phân phối, lưu kho, quản lý và tiêu dùng.

Bao bì bằng gỗ có đặc tính chịu được tải trọng và chịu va chạm cơ học nhưng giá thành cao và phá hoại môi trường

Bao bì kim loại thép tráng thiếc có đặc tính chịu nhiệt độ thanh trùng, tiệt trùng, chịu được va chạm cơ học, thường có kiểu dáng hình trụ đứng, tạo sự thuận lợi trong vận chuyển và tồn trữ, không chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Tất cả những tính chất này khiến cho bao bì kim loại thích hợp cho việc đựng các sản phẩm thịt cá, rau quả chế biến được thanh trùng hoặc tiệt trùng và sau khi đóng bao bì, sản phẩm có thời hạn sử dụng khoảng 2÷3 năm.

Bao bì bằng nhôm có đặc tính mềm dẻo và chống được tia cực tím, được sử dụng để bao gói các loại kẹo, chocolate, phomat, ngăn cản sự tiếp xúc của oxy không khí, hơi nước, vi sinh vật và bảo quản nước giải khát có gas, bia... là những loại thực phẩm lỏng có tạo áp lực bên trong bao bì, tạo ra sự cân bằng lực giúp lon cứng vững một cách hợp lý.

Bao bì plastic như: PE (polyetylen), PA (polyamid) chịu được nhiệt độ thấp, PA có độ mềm dẻo cao, tính chống thấm khí tốt nên được áp dụng bao bọc các loại sản phẩm hải sản lạnh đông trong quá trình bảo quản (-180C) cả trong trường hợp lạnh đông nhanh.

Bao bì plastic PP (polypropylen), OPP (oriented polypropylen), bao bì ghép nhiều loại plastic có tính chống thấm khí, hơi nước cao, được dùng phổ biến làm bao bì kín chứa thực phẩm chế biến. Loại vật liệu OPP không thích hợp để chế tạo dạng hộp, chai, lọ vì không có độ cứng vững nên chỉ cấu tạo dạng túi, được hàn ghép mí bằng nhiệt.

(25)

Bao bì bằng thủy tinh có đặc tính chịu được nhiệt độ thanh trùng, có thể nhìn thấy được sản phẩm bên trong (đối với chai thủy tinh trắng), tránh ánh sáng (đối với chai thủy tinh màu) nhưng không bền cơ học, dễ bị vỡ nứt do thay đổi nhiệt độ hoặc va chạm, khối lượng chai thủy tinh nặng, bất tiện cho quá trình vận chuyển.

Bao bì sành sứ dùng để chứa đựng thực phẩm, dùng làm chén đĩa ăn uống từ rất lâu đời và phổ biến khắp thế giới. Ngày nay, bao bì sành sứ được ứng dụng bảo quản các loại rượu, sản phẩm sấy… do khả năng chống thấm tốt, chịu nhiệt tốt, chống ăn mòn nhưng nặng, dễ vỡ và khó tự động hóa.

Bao bì bằng màng ghép nhiều loại vật liệu nhanh chóng chiếm ưu thế trong ngành bao bì thực phẩm vì che lấp hoàn toàn khuyết điểm đồng thời đáp ứng mọi tính chất cần thiết của sản phẩm như bao bì sữa tươi, nước ép trái cây...

Như vậy, việc phân loại bao bì thực phẩm theo vật liệu chế tạo thì thuận tiện hơn các cách phân loại khác vì đáp ứng đặc tính riêng của sản phẩm, cho biết kiểu dáng và phương pháp đóng gói bao bì.

Thực phẩm có thể chia thành các thứ hạng khác nhau: - Thực phẩm cấp cao, cấp thấp

- Thực phẩm xuất khẩu, tiêu dùng nội địa - Thực phẩm để biếu tặng, để tiêu dùng

Dù là loại, hay thứ hạng thực phẩm nào cũng cần phải được bảo quản đúng phương pháp để duy trì chất lượng sản phẩm đã đạt được trong quy trình chế biến trước khi đóng bao bì. Phương pháp bảo quản sản phẩm, từ công đoạn đóng bao bì trở đi, bị ảnh hưởng lớn bởi vật liệu bao bì, phương pháp đóng bao bì. Mỗi loại, thứ hạng thực phẩm sẽ quyết định một qui cách bao bì phù hợp.

Ví dụ như thực phẩm để biếu tặng thì ngoài tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phải đạt, cần có giá trị cảm quan cao về cả bao bì lẫn thực phẩm, các hình thức thông tin giới thiệu sản phẩm thông qua bao bì phải phù hợp với thị hiếu của vùng dân cư sẽ tiêu thụ sản phẩm.

Đối với thực phẩm xuất khẩu thì yêu cầu nghiêm khắc hơn về chất lượng toàn phần, đưa đến việc sản phẩm đạt chất lượng cao. Như vậy, bao bì lại càng nổi bật vai trò quan trọng của nó là giới thiệu, trình bày, thuyết phục và tạo được lòng tin ở người tiêu dùng nước ngoài. Sản phẩm thực phẩm và bao bì chứa đựng chúng luôn cần tính cạnh tranh và phải giữ được vị trí thắng thế đối với hàng hóa thực phẩm bản xứ.

Referências

Documentos relacionados

Đối với hoạt động quản lý rủi ro tín dụng, Eximbank đã ban hành các chính sách quy định, hoàn thiện quy trình cho vay phù hợp với quy định của pháp luật

Thông thường, bằng con đưòng thực nghiệm và trả i qua thực tiễn, thường dùng phương pháp quang phổ để định lượng dược chất trong một dạng thuôc chứa

Việc tách và xác định 17 axít amin trong một số loại thịt, một số loại cá nước ngọt, cá nước mặn, cũng như hạt đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương

Xưởng Urê là đơn vị thuộc khối sản xuất, có chức năng quản lý và vận hành toàn bộ dây truyền sản xuất ure, đáp ứng yêu cầu kế hoạch sản xuất về

+ Bể Aerotank là công trình xử lý sinh học sử dụng bùn hoạt tính (đó là loại bùn xốp chứa nhiều VS có khả năng oxy hoá các chất hữu cơ). + Thực chất quá trình

- Chất màu vàng Anrato E160B chiết xuất từ hạt quả mận Châu Mĩ. Dạng hoà tan trong nước của E160B được sử dụng để nhuộm vỏ ngoài tự nhiên cho giò chả, các

- Kết luận: Phương pháp cực phổ là một trong những phương pháp phân tích hữu cơ nhanh và đạt được độ chính xác cao, ngoài ra chi phí cho máy móc thiết bị và

Đây là phƣơng pháp đánh giá đƣợc nhiều thuộc tính cấu trúc của sản phẩm trong 1 lần thử, thiết bị kỹ thuật sử dụng đƣờng cong của lực, đƣờng cong của sự biến dạng