• Nenhum resultado encontrado

Dấu Chân Trinh Sát - Lương Sĩ Cầm

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2021

Share "Dấu Chân Trinh Sát - Lương Sĩ Cầm"

Copied!
121
0
0

Texto

(1)

DẤU CHÂN TRINH SÁT

LƯƠNG SỸ CẦM

Nguyễn Văn Lệnh: (Bí danh Tư Hổ) Sinh năm: 1930

Quê quán: Thôn Mông Ha, xã Minh Tân - Nam Sách - Hải Dương Nhập ngũ: 4 -1946

Về hưu: 1979

Chức vụ: Chỉ huy phó An ninh trinh sát vũ trang khu Sài Gòn - Gia Định (B5)

SỐNG SÓT QUA NẠN ĐÓI

Mỗi chúng ta ai cũng có tuổi thơ. Những chuyện vui, chuyện buồn từ cái thủa non nớt ấy mãi mãi ghi dấu ấn vào trí não ta. Dù cõi nhớ có xa xôi đến mấy những kỷ niệm sâu sắc từ những năm tháng đầu tiên nhận ra sự có mặt của mình ở trên đời, cứ lay động tâm hồn ta, nhắc nhở ta hình dung nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ta chập chững những bước đi vào đời.

Đối với Nguyễn Văn Lệnh, chiến sĩ trinh sát có biệt danh Tư Hổ, tuổi thơ của anh nặng trĩu đau buồn.

Nhà anh đông anh chị em, những mười người, anh là con thứ tư, trên có một chị gái và hai anh trai. Cả nhà trông vào hai sào ruộng. Bố mẹ anh quần quật cấy cày vẫn không đủ ăn, phải đi làm thuê kiếm sống thêm. Nhà đông người ăn, cứ chập chờn bữa đói, bữa no. Ấy vậy mà chẳng được yên thân.

Bé Lệnh mãi mãi không quên một buổi trưa hè nắng gắt, đám trương tuần xã Minh Tân, huyện Nam Sách kéo đến thôn Uông Hạ, ập vào nhà em.

Bố Lệnh vừa ra mở cửa liền bị roi đòn đánh tới tấp, gục xuống ngay tại hiên nhà. Trong chốc lát ông bị trương tuần trói tay giật cánh khỉ. Đám trẻ trong nhà lít nhít, khóc như ri. Mẹ Lệnh quỳ xuống bên bậc cửa chắp van lạy xin tha cho chồng. Tên lý trưởng cầm đầu đám trương tuần, chẳng những không động lòng thương hại còn cầm roi da vụt liền mấy cái lên lưng , lên cổ bà. Hắn quắc mắt lệnh cho bọn tay chân:

(2)

Bọn trương tuần ùa vào nhà, lật tung giường chiếu, đập phá bất kể thứ gì trong tầm tay của bọn chúng, từ chum, vại, nong, nia đến bát chén trên chạn bếp. Phá phách, tung hê chán chê mọi thứ, chúng trình thưa lão lý trưởng:

- Bẩm ông lý, chúng con đã khám xét khắp nơi, chẳng thấy một hạt thóc, một củ khoai nào cả.

Tên lý trưởng liền quay lại, huơ roi da trước mặt bố Lệnh, gằn giọng hỏi, sau một cú vụt mạnh:

- Tên Khanh kia, mày có nhớ còn nợ làng, nợ nhà nước bao nhiêu cân thóc không? Bố Lệnh không hề kêu khóc, trả lời khô khốc:

- Dạ, có nhớ ạ. - Nợ thiếu bao nhiêu? - Dạ, bảy chục cân thóc ạ.

- Thóc lúa vụ này vừa thu về, mày cất giấu ở đâu?

- Dạ, bẩm, gặt xong hai sào ruộng, không đủ trả nợ bà con, không đủ gạo ăn ạ! - Thằng này láo! Chúng mày tẩn tới số cho tao!

Tiếng hèo song quất bình bịch lên thân hình gầy gò của bố khiến Lệnh phải nhăn mặt, nhắm mắt, không dám nhìn. Trong lòng bé như có sợi gai mây cào xát.

Tiếng lý trưởng lại rít lên, sắc gọn: - Điệu nó lên huyện, áp giải cẩn thận.

Nói xong, lão trao cho đám trương tuần một tờ giấy phúc bẩm quan huyện, rồi quay ngoắt ra đường cái, về nhà.

Lệnh lẽo đẽo đi theo bố lên huyện, cố giữ một khoảng cách để tránh đòn roi của bọn áp giải. Bé không dám vào cổng huyện đường, chỉ đứng ngoài ngóng chờ vô vọng.

Đận ấy, mẹ Lệnh phải bấm bụng bán thúc một sào ruộng, lấy tiền nộp quan và lý trưởng. Số tiền ấy, cho đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Lệnh nhớ lại, mẹ bé vẫn chưa có tiền chuộc ruộng.

Mãi gần một tháng sau, bố Lệnh mới được tha về. Người ông chỉ còn xương bọc da. Đã thế, cẳng chân phải của ông còn mang thêm một ổ lở loét, miệng bằng trôn chén, nổi gờ đỏ hoẻn. Phải bốn tháng sau, vết lở mới liền miệng, chẳng biết bằng những món lá thuốc gì đắp rịt vào. Sức khỏe

(3)

của ông ngày một sa sút. Bé Lệnh ngày đêm quấn quít bên bố, sẵn sàng nghe theo bố sai phái mọi việc lặt vặt từ việc mang nước uống trong mo cau đến việc châm lửa cho bố hút thuốc lào. Dẫu vậy, bé vẫn chịu khó hầu hạ bố, làm thay công việc các anh chị. Hàng đêm, bố bảo Lệnh lên nằm ngủ cùng giường, luồn tay ấp lưng bé. Thế rồi, một buổi sáng sớm nọ, Lệnh thức dậy, quen nếp gỡ tay bố, chợt thấy cánh tay bố cứng đờ, lạnh ngắt. Lệnh choàng dậy, thấy bố nằm duỗi thẳng chân, toàn thân không một chút động đậy, mũi hết thở. Em bối rối hoảng hốt hét toáng lên, gọi cả nhà đến bên bố, Lệnh mất bố năm mới lên mười ba. Tuy chưa từng trải chuyện đời, nhưng cái chết oan uổng của bố em sau trận ngã bệnh vì đòn roi của tên lý trưởng và bọn quan lại trên huyện cũng sớm in dấu ấn sâu đậm vào tâm hồn trẻ thơ của Lệnh với một ý niệm căm ghét, dù còn mơ hồ, đối với bọn chức quyền ở làng, ở huyện quê nhà. Ấn tượng ấy đeo bám trong lòng anh suốt quãng đời chiến đấu sau này. Điều hiển nhiên là, khi mới chạm tuổi mười sáu, được cán bộ Việt Minh giảng giải mọi lý lẽ về đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, Lệnh tiếp thu rất nhanh. Tự thân anh đã trải nghiệm về nỗi thống khổ của người nông dân dưới chế dộ phong kiến đế quốc thống trị ngày trước.

Gia đình mất người làm trụ cột trong công việc đồng áng bỗng rơi vào cảnh đã nheo nhóc càng nheo nhóc hơn. Các anh chị của Lệnh chưa đến tuổi lao động nhưng đều phải bươn chải kiếm cái ăn bằng cách đi làm thuê, chăn trâu, cắt cỏ khắp xóm dưới làng trên. Hai em nhỏ, thứ chín, thứ mười chưa rời khỏi bàn tay chăm bẵm của mẹ.

Xảy đến nạn đói năm Ất Dậu, đầu năm 1945. Mẹ con Lệnh rơi vào cảnh kiệt quệ. Thoạt đầu, mấy anh chị em, từ Lệnh trở lên, te tua kéo nhau ra đồng mò cua, bắt ốc. Lệnh kiếm được một cái nhủi, thơ thẩn đi khắp đồng xa, ruộng gần cào ủi tôm tép. Hàng ngày thu lượm được bao nhiêu, cả nhà tập trung để mẹ mang ra chợ bán đắp đổi vài bơ gạo nấu cháo ăn qua bữa. Rồi đến lúc, của trời cho ẩn giấu ngoài đồng cũng cạn kiệt, nguồn sống thắt lại, chẳng riêng ai, cả làng, cả xã, cả tổng, cả huyện Nam Sách đói rã rượi. Ra đường, không thể phân biệt ai già, ai trẻ, thậm chí chẳng thể nhận ra ai là đàn ông, ai là đàn bà nữa. Mọi gương mặt đều bày ra đủ thứ hang hốc, xương hàm nhô ra, đáy mắt trũng sâu. Người đi đường gặp người như gặp những hồn ma. Chạy trốn cái đói, người xứ đông kéo lên xứ đoài xin ăn, ngược lại, người xứ đoài lại lết về xứ đông. Dọc đường cái quan, la liệt xác người chết đói vô thừa nhận.

Gia đình Lệnh vật vã cố trụ lại qua cơn đói kéo dài. Ăn hết cám gạo, mẹ Lệnh vặt trụi những quả bầu non. Hết trái cây trên giàn vội hái lá môn, lá dáy, nhổ cả rau má nấu canh. Cuối cùng phải đào cả củ chuối, băm nhỏ, tống vào bụng. Chẳng ai dám mơ ước thịt, cá. Chẳng còn hạt gạo ăn độn cho vào bụng, thiếu chất dinh dưỡng, cả nhà Lệnh, từ lớn đến bé, từ già đến trẻ đều trơ khung xương, nhìn nhau đến thảm. Giữa mùa giáp hạt, một nỗi đau xé ruột ập đến. Hai đứa em cuối là Kít và Đạt đang tuổi bú mớm, vì thiếu sữa mẹ, kiệt sức mà rủ nhau ra đi. Lệnh còn nhớ chính mình đã cùng người anh cả mang thi thể hai em, cùng một lúc chôn quanh gốc đa đầu bờ ruộng trước nhà. Ngay cả mảnh vườn có gian nhà lụp xụp che chở cho mười một mạng người cũng đã phải bán đi hai phần ba từ những ngày đầu lâm vào nạn đói. Hai em bạc phận ra đi, bà mẹ mang nỗi đau đứt từng khúc ruột. Mấy anh em ra sức khuyên giải, mẹ vẫn không gượng dậy được. Cái đói thắt ruột và một nỗi đau đã cướp đi cuộc sống của bà mẹ.

Đang trong cảnh khốn cùng cơ cực thì dân xã Minh Tân nhận được nguồn ánh sáng cứu đời. Một hôm, ông Bang là người cùng xã nghe nói đi theo Việt Minh trên mạn Chí Linh, bỗng trở về quê. Hễ màn đêm vừa buông xuống ông xuất hiện, len lỏi qua các thôn, xóm, nhắn nhe bà con tụm

(4)

năm tụm ba để nghe ông nói chuyện. Lệnh đi theo anh cả Sao tới dự một buổi họp mặt chớp nhoáng. Giọng ông Bang trầm trầm mà khúc chiêt:

- Dân ta gặp nạn đói nằm chết la liệt khắp đầu đường xó chợ trong lúc bọn phát xít Nhật tập trung thóc gạo để nuôi quân đội của chúng. Việt Minh kêu gọi bàn dân thiên hạ kéo nhau đi phá kho thóc để cứu đói. Xã Minh Tân ta nằm sát ven sông Thái Bình, đúng luồng tàu thuyền chở lúa gạo từ Phả Lại về Hải Phòng tiếp tế cho quân Nhật. Bà con ta sợ gì mà không chặn thuyền chở thóc của bọn tay sai Nhật, giành lại nguồn lương thực cứu sống dân ta.

Lời nói của ông Bang khác nào gáo nước tươi mát tưới vào gốc cây sắp chết khô. Ngay ngày hôm sau, nhiều tổ chặn thuyền cướp lúa gạo ở xã Minh Tân hình thành. Anh cả Sao đứng đầu một tổ của thôn Uông Hạ. Chú thiếu niên Lệnh mới vào tuổi mười lăm cũng xin vào tổ.

Lệnh còn nhớ vào một buổi chiều chớm hạ sau ngày Nhật đảo chính Pháp, anh cả Sao dẫn cả tổ lên hai chiếc xuồng con chực sẵn ven sông. Mỗi người cầm trong tay một con dao bầu hoặc dao quắm. Chẳng cần đợi lâu, từ mạn ngược một chiếc thuyền chở thóc khẳm nước lặng lẽ xuôi sông Thái Bình hướng về thị xã Hải Dương. Hai chiếc xuồng lao ra giữa dòng, bám sát chiếc thuyền lớn. Chẳng phải đâm chém ai, cứ dơ giáo mác ra dọa, tổ anh cả Sao đã buộc các bạn chèo dừng tay, để cho bà con ta bốc từng bao lúa xuống xuồng, chiếc nào chiếc nấy mép sà xuống tới mớn nước sâu. Chuyến đầu làm nhanh gọn. Chẳng thấy ai đứng ra phân phối các đống bao tải căng phồng lúa gạo nhưng Lệnh cảm thấy có bàn tay vô hình nào đó đã chỉ vẽ cho các tổ chuyển số thóc cướp được chia đều cho từng hộ dân. Lần đầu tiên, Lệnh hiểu được chút ít về hoạt động của mặt trận Việt minh. Trong tâm trí anh, con đường sáng đã rộng mở. Mọi suy nghĩ của Lệnh đều thuận chiều với những lời kêu gọi của anh Bang, cán bộ thoát ly, quê ở xã nhà.

Nạn đói đã bị chặn lại, dù thóc gạo chia đều chẳng được bao nhiêu. Ấy vậy mà có lần, anh cả Sao mang về mấy đấu lúa đẫm nước, không thể xay được, mấy anh em đành đổ vào cối giã. Vỏ lúa giã mịn lẫn với tấm cám biến thành một thứ bột vừa mịn vừa xít. Dù vậy vẫn phải nuốt cái thứ cháo dễ mắc nghẹn ấy. Lệnh hỏi anh cả:

- Rõ ràng những bao lúa chúng ta chất vào xuồng đều khô khén cả, anh không lấy về còn nấu được cháo đặc mà ăn. Cớ sao anh lại mang mấy đấu lúa ẩm mốc này về?

Anh Sao vỗ vai em, an ủi:

- Của chung chia đều, ai gặp phần nào nhận phần ấy. Mình không lấy thì người khác phải nhận, vậy lẽ công bằng còn đâu.

Không phải chỉ một lần anh cả dạy khôn cho Lệnh. Cũng trong quãng thời gian đánh cướp thuyền lúa của bọn Nhật, Lệnh gặp thằng Châu, con trai lão lý trưởng, bạn học cùng lớp với Lệnh. Cậu không thể ngờ đến việc một thằng con trai nhà giàu ra bờ sông xin lúa của tổ anh Sao. Lệnh không thể quên chính tay thằng Châu đổ sạch lúa mót của Lệnh ngày cậu theo chân bạn thợ gặt trên ruộng lúa nhà hắn. Nhìn gương mặt hốc hác, gầy vêu của hắn, Lệnh cũng nảy ra đôi chút ái ngại trong lòng, nhưng nghĩ lại chuyện cũ, cậu vẫn ấm ức. Lệnh coi giữ đống bao tải lúa trên bờ sông khi thấy thằng Châu mò đến, liền quát đuổi:

(5)

- Tránh ra.

Chợt anh Sao táp xuồng vào bờ, thấy cảnh tình thằng Châu khốn quẫn liền đến vỗ vai Lệnh, nói:

- Em ơi, đận này nhà giàu cũng đói trơ khấc như bà con nghèo. Em có biết nhiều kẻ giàu, nhà ngói sân gạch thênh thang vẫn không kiếm nổi miếng cháo mà húp không? Cứu đói lúc này là phúc đẳng hà sa.

Nói rồi, anh cả xúc cho thằng Châu, con lão lý trưởng một thúng lúa. Lệnh lặng lẽ nhìn anh, nét mặt cau có. Anh cả nói cho em trai yên lòng:

- Anh Bang Việt Minh vừa có lời dặn dò rằng nếu thu được nhiều thóc lúa, có thể nới tay mở rộng cho đám nhà giàu lắm ruộng mà vẫn thiếu đói.

Con chim non ra ràng, đã tập bay, tập nhảy. Những ngày tham gia vụ đánh cướp thuyền chở lúa của bọn Nhật trên sông Thái Bình đã đem lại cho Lệnh niềm vui hoạt động, chẳng khác gì những con chim non tập bay nhảy chuyền cành, ríu rít bay theo đàn chim mẹ.

Những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám biến đổi hẳn bộ mặt xã Minh Tân. Mít tinh, diễu hành liên miên. Ban ngày, dân quân tự vệ tập trận dọc bờ đê, ban đêm, các lớp bình dân học vụ mở ra khắp làng trên xóm dưới. Lệnh tham gia sinh hoạt thiếu niên, bạn bè rủ nhau tập hát những bài ca cách mạng, khí thế bừng bừng.

Chẳng ai nghĩ rằng quân Pháp chiếm đóng thị xã Hải Dương sớm thế. Chúng kéo quân lên huyện Nam Sách, tiến hành xây dựng bốt Xi. Quan và lính da trắng chỉ có vài chục tên, số còn lại toàn lính khố đỏ gồm có hai trung đội. Chúng bắt dân các xã đi phu làm các công việc đào bới đất, vận chuyển vật liệu hoặc quét dọn sân bãi. Mỗi xã bổ hai mươi suất đi phu. Tên lý trưởng Xương đến nhà Lệnh, tìm gặp anh cả Sao. Nhìn thấy mặt hắn, vẻ căm ghét hiện rõ trên mặt Lệnh. Chỉ mới vài năm trước, chính hắn dẫn bọn trương tuần đến đánh đập bố Lệnh khiến ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Lệnh lấy làm lạ lần này hắn đến nhà không ra vẻ vênh vang quát nạt như ngày trước. Anh cả đón hắn có vẻ tử tế. Hai người nói chuyện bình thường với nhau. Lý trưởng nói:

- Nhà anh gồm có bốn đinh, nhẽ ra phải gánh hai suất phu, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng là chỗ quen biết nhau, bổ một suất cũng được.

Anh cả Sao đáp lời từ tốn:

- Việc làng, việc xã tùy ông sắp xếp. Chỉ cần ông nhớ cho rằng Việt Minh luôn để mắt tới các ông.

- Vâng, tôi biết.

Lệnh nghe lọt câu chuyện trao đổi qua lại giữa hai người, cảm nhận ngay có mối quan hệ nào đó, một giao ước ngấm ngầm nào đó ràng buộc tên lý trưởng Xương với anh mình. Về chuyện đi phu, Lệnh đoán chắc anh cả sẽ đảm nhận. Nào ngờ, anh cả gọi Lệnh lại gần, bảo:

(6)

- Em sửa soạn đi phu. - Sao lại là em?

- Em cứ đi. Cán bộ huyện đội đã bàn với anh về chuyện này.

Hai anh em vào nhà liền gặp ông Bang, cán sự huyện đội từ gian buồng xép bước ra. Ông nắm lấy tay Lệnh dặn:

- Em làm tốt công việc phu phen ở bốt Xi sẽ có dịp làm lợi cho cách mạng. Cố gắng lên nghe không? Chúng ta chọn em vì em lanh lợi, hăng hái, có thể được việc .

- Em làm được việc gì ạ?

- Chuyện ấy sẽ nói sau. Ta tin ở em.

Đồn bót đầu tiên bọn Pháp xây dựng ở huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương là bốt Xi . Dân phu các xã bị bắt đi lao động ở đây lên đến hai trăm người. Lệnh mới mười sáu tuổi, lọt vào đám dân phu vai u thịt bắp trông nhỏ nhoi như con chim sẻ nhảy nhót giữa bầy gà cồ cứng cựa.

Công trường là bãi đất cao rộng chín, mười mẫu đất nhô lên giữa cánh đồng trống trải. Đây là lần đầu tiên trong đời, Lệnh giáp mặt bọn quân quan Pháp. Những tên sĩ quan đội mũ chào mào, chân tay trắng bệch đầy lông lá, mặt đỏ ửng như gà chọi ngồi trên xe zeep, phóng như điên trên đường cái quan. Bụi đường tung bay mù mịt, đám phu phen khiếp hãi, dạt xa khỏi vệ đường phòng xe cán người. Vài chục tên lính da trắng căng lều bạt trên bốn góc bãi. Những khẩu súng trung liên chĩa nòng ra mọi hướng trên cánh đồng. Thoạt nhìn quang cảnh ấy, tuy chưa thấy hình thành đồn trại, nhưng Lệnh đã cảm thấy lạnh ớn. Những khẩu súng máy kia cùng những khẩu súng trường trong tay bọn lính khố đỏ có thể nã đạn bất cứ lúc nào vào đám phu phen nếu xảy ra cuộc náo loạn. Nghĩ vậy, nhưng qua những ngày lao động đầu tiên, mọi việc vẫn êm xuôi. Thoạt tiên, bọn lính Pháp cho quây hàng rào dây thép gai bao quanh vị trí. Hàng trăm dân phu chia thành toán nhỏ đóng cọc quây dây thép gai từng quãng. Trên nền bãi, hàng trăm người khác hì hục san nền, bạt gò mối. Cu Lệnh làm việc trong toán này. Mấy ngày sau, địch căng một lều bạt rộng thênh thang để chứa vật liệu sắt và gỗ xây dựng. Bên cạnh lại dựng thêm một lều vải chứa vũ khí, đạn dược. Đám dân phu lại tổ chức thêm một kíp vận chuyển các thùng vũ khí, đạn dược kèm thêm công việc quét dọn nền đất cho sạch sẽ gọn gàng. Công việc này liên quan đến đạn dược dễ gây nổ nên chẳng ai chịu tham gia, cứ người này đùn đẩy cho người kia.

Lệnh nhanh chóng nhận ra khu vực sắp xếp đạn dược này là cái rốn quy tụ sức mạnh tàn phá, hủy diệt của cả cái bốt Xi đang hiện hình. Mới cảm nhận một cách mơ hồ như vậy, anh chợt nhớ đến câu nói cuối cùng của anh Bang, cán sự huyện đội hôm nọ, khi hỏi anh công việc cần làm: “chuyện ấy sẽ nói sau. Ta tin ở em”. Chuyện ấy là chuyện gì? Phải chăng chuyện ấy có liên quan đến vũ khí, đạn dược của quân Pháp?

Nghĩ sao, làm vậy. Lệnh đến trước mặt người cai phu, nói: - Ai cũng sợ việc không đâu, tôi xin nhận ‘.

(7)

Nhìn thân hình bé nhỏ của Lệnh, người ấy hỏi lại:

- Sức vóc như em liệu có thể khuân vác nặng không? Em không nhìn những hòm, những thùng kềnh càng kia à?

Lệnh trả lời gọn gàng, lời nói pha chút hóm hỉnh:

- Người ta nói: “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Anh không tin sao?

Sau mấy buổi làm quen công việc, Lệnh kể lại công chuyện đi phu cho anh cả Sao nghe. Ngay đêm ấy, anh Bang lại đến nhà. Anh gọi Lệnh ra một góc chái, nói nhỏ:

- Đã đến lúc ta cần em giúp đỡ đây. - Việc gì cần đến em ạ?

- Chú em cố gắng tìm cách moi được cho anh một ít đạn của bọn Pháp.

Lệnh hiểu ngầm ý của anh Bang, liên hệ đến những điều cậu hằng nghĩ đến khi làm phu ở khu vực súng đạn: “Anh Bang chắc hẳn đang cần những thứ này đây”. Dẫu vậy, cậu vẫn nói với anh:

- Em làm công việc dọn kho, thấy ngoài các hòm đạn, có rất nhiều các loại đạn rời, chẳng biết anh cần loại nào? Ở trong kho, đạn rời gom lại thành đống anh ạ.

Anh Bang liền lấy từ trong túi xách ra mấy mẫu đạn. Anh soi đèn pin, chỉ cho Lệnh từng mẫu một:

- Loại đạn vỏ dài, đầu nhọn này là đạn súng Mút-cơ-tông, loại này là đạn súng Anh-đô-si-noa. Còn loại ngắn đầu tròn này là đạn súng Côn. Em nhớ cho kỹ. Mỗi lần mang ra vài viên. Tích tiểu thành đại, sẽ được việc đấy.

Lần đầu tiên trong đời, Lệnh được nhìn tận mắt các loại đạn. Đây cũng là lần đầu tiên cậu được anh cán sự huyện đội dạy cho bài học về súng đạn.

Buổi đi phu sau đó, Lệnh lượm được hai viên đạn súng Côn. Sau bữa ăn trưa, anh lén nhét hai viên đạn súng ngắn ấy vào vắt cơm ăn dở, gói ghém lại buộc vào thắt lưng. Chuyến đầu tiên trót lọt. Anh Bang và anh cả Sao mừng lắm. Anh Sao bảo cậu:

- Chú là con sóc nhỏ có ích cho cách mạng đấy.

Cứ cái đà lấy trộm đạn rời từ nhà kho của quân đội Pháp, lúc ít nhất được một, vài viên, lúc nhiều nhất Lệnh nhét vào chiếc áo cộc tay bằng sợi đay bao tải được chín, mười viên, mang về cho anh cán sự huyện đội. Trong con mắt của anh Sao, Lệnh không còn là một cậu nhóc con nữa mà đã thành một người chiến sĩ gan dạ.

(8)

Tháng tư, năm 1946, huyện đội bàn với anh cả Sao cho Lệnh thoát ly, rút lên làm liên lạc viên chuyên trách tuyến Nam Sách - Chí Linh. Lệnh quen vượt sông Kinh Thầy như cơm bữa. Anh cả Sao nói với em:

- Chú từ sóc con biến thành cá kình rồi đấy.

Từ ngày nhập ngũ vào bộ đội địa phương huyện Nam Sách, không biết bao nhiêu lần giữa mùa đông giá rét, Lệnh phải bơi qua con sông Kinh Thầy. Có đêm vừa đáp bờ sông, anh bị lạnh cóng, phải nằm bất động hồi lâu bên bụi tre ngà. Lệnh cứ tưởng rằng, sau khi nhập ngũ sẽ được cầm súng đánh giặc. Nào ngờ, thử thách đầu tiên là tính chịu đựng gian khổ, kiên trì luồn lách giữa vùng địch tạm chiếm để hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ liên lạc.

CẦM SÚNG LÊN ĐƯỜNG

Cấp trên giao cho trung đội bộ đội địa phương Nam Sách cử một tổ trinh sát vào nắm tình hình trong thị xã Hải Dương. Đồng chí Dân, huyện đội trưởng gọi Lệnh lên, giao nhiệm vụ:

- Bấy lâu nay em làm liên lạc cho cơ quan, Nhiệm vụ đã hoàn thành tốt đẹp. Hôm nay, đơn vị cử em tham gia tổ trinh sát thâm nhập thị xã Hải Dương. Nhiệm vụ vừa nguy hiểm, vừa khó khăn, em gắng làm tròn, xứng đáng với lòng tin của đơn vị.

Lệnh được bố trí vào một tổ trinh sát, gồm có bốn người do trung đội phó Thành làm tổ trưởng. Cả tổ len lỏi qua các xóm làng đã lập tề, nhanh chóng vượt sông Thái Bình, rồi cứ hướng đông mà dấn tới. Gặp được một cơ sở quần chúng bí mật ở ngoại vi thị xã, đồng chí Thành hỏi thăm tình hình. Cơ sở báo cáo:

- Ở nội thị, tôi có người bà con quen biết thường đi lại với nhau. Người này làm việc ở sở điện, nắm hết đường đi lối lại giữa các cơ quan ngụy quyền trong thị xã. Tôi sẽ dẫn các đồng chí vào gặp anh ấy.

Anh Thành nghe vậy, mừng quá, phác ngay kế hoạch đêm nay anh sẽ đột nhập vào thị xã nắm tình hình. Anh nói:

- Tổ ta gặp may bắt liên lạc được với cơ sở ngoại thị. Chuyến đi này chắc chắn thông đồng bén giọt.

Anh hỏi mọi người:

- Các đồng chí có ai bổ sung ý kiến vào kế hoạch đột nhập này không?

Cả tổ im lặng. Trung đội phó vốn là người quyết đoán, xưa nay được các tiểu đội trưởng tín nhiệm, huống hồ đi cùng lần này chỉ là ba chiến sĩ, còn gì phải bàn nữa.

(9)

- Chẳng hay anh với người bà con kia lâu nay có thường đi lại với nhau không? Cơ sở trả lời, giọng thật thà:

- Năm ngoái chúng tôi đến thăm nhà nhau hàng tháng. Còn năm nay, bẵng đi năm tháng chưa gặp lại vì anh ấy bận lên Hà Nội học nghề mà.

- Nghề gì?

- Vẫn là nghề điện.

Trung đội phó Thành cắt ngang:

- Chuyện làm ăn của cơ sở nội thị, bận tâm đến làm gì? Lệnh bình tĩnh thưa lại:

- Báo cáo anh, dù sao chúng ta cũng phải suy xét. Bốn tháng không có sự liên lạc giữa hai cơ sở nội và ngoại thị biết đâu có chuyện bất thường. Ta nên cẩn thận vẫn là hơn.

Thành chuyển giọng gay gắt, hỏi ngay: - Cẩn thận là thế nào?

- Báo cáo, có lẽ ta chưa vội đi toàn tổ vào gặp cơ sở. Trước tiên nên cử một người đi cùng anh chủ nhà đây vào trước, thăm dò tình hình làm ăn của ông bạn trong kia. Nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, ta kéo cả tổ vào cũng không muộn.

Trung đội phó Thành quát:

- Im ngay. Cậu là đồ thỏ đế. Chưa gì đã dao động. Tôi quyết định loại cậu ra khỏi tổ công tác. Lệnh cho cậu trở về ngay cơ quan huyện đội. Mọi chuyện chờ tôi làm xong công việc sẽ tính sau!

- Báo cáo, tôi chỉ đưa ra ý kiến, bàn bạc….

- Không báo cáo, báo chồn gì hết. Lúc này, cậu chỉ là một chiến sĩ thoái thác nhiệm vụ. Ngay đêm ấy, Lệnh quay về cơ quan huyện đội. Đồng chí Dân thấy Lệnh đến báo cáo trình diện, lấy làm ngạc nhiên. Lệnh thuật lại đầu đuôi sự việc, không thêm một lời van nài hay thanh minh gì hết. Đồng chí huyện đội trưởng nghe xong, trầm ngâm cắn môi suy nghĩ. Mãi hồi lâu, đồng chí mới nói:

- Cậu cứ trở về trung đội. Chờ anh Thành quay về, ta sẽ bàn tiếp chuyện này.

Chẳng cần chờ lâu, một tuần sau, trung đội phó Thành trở về đơn vị. Cánh tay phải của anh quấn đầy băng trắng, có dây đeo quàng trước ngực. Trên cổ anh có một vết xước dài ẩn dưới màu

(10)

thuốc đỏ sát trùng. Vẻ quyết đoán, hăng hái của Thành biến mất. Gương mặt anh tối sầm chẳng biết vì đau xót hay hối hận. Ngay sau đêm Lệnh bị gạt khỏi tổ, Thành dẫn hai chiến sĩ đi cùng cơ sở ngoại thị đột nhập ngay vào thị xã Hải Dương. Chẳng ngờ người cơ sở nội thị là một tên phản bội. Vừa trao đổi công việc với tổ đột nhập xong, hắn bí mật lủi ngay đi báo cáo cho bọn cảnh sát. Cuộc vây ráp bất ngờ diễn ra ngay trong đêm. Tổ của Thành chạy thục mạng theo chân người cơ sở ngoại thị nhưng làn đạn địch đã bắn gục một chiến sĩ trinh sát. Bản thân Thành cũng bị thương, may mà thoát ra được khỏi cái bẫy. Đồng chí huyện đội trưởng đưa Thành đến bệnh xá bên Chí Linh xong, chép miệng nói với anh em trong cơ quan:

- Chỉ vì coi thường chiến sĩ trẻ, bỏ ngoài tai mọi lời góp ý của cấp dưới mới nên nông nỗi này.

Riêng Lệnh, anh không hề oán trách người chỉ huy đã nặng lời và xử sự tệ với anh. Lệnh nặng lòng xót thương người đồng đội trẻ tuổi tên là Lăng đã hy sinh ngay trong lòng thị xã Hải Dương giữa lúc tuổi đời còn phơi phới.

Sau lần đi công tác bất thành ấy, Lệnh được điều xuống tiểu đội công binh. Tiểu đội trưởng là đồng chí Cưng. Đây là một đơn vị chiến đấu. Có lẽ đồng chí Dân muốn rèn luyện Lệnh trở thành một chiến sĩ thực thụ nên mới bố trí anh vào một môi trường chiến đấu đầy gay go, ác liệt. Nhiệm vụ của tiểu đội công binh là tiến hành các trận đánh phá đường tàu hỏa từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trong phạm vi tỉnh Hải Dương, đoạn địa đầu thuộc huyện Kim Thành du kích đánh phá giao thông đường sắt của giặc Pháp nổi tiếng hơn cả. Tiếp đến là các huyện Kinh Môn, Thanh Hà. Đoạn đường sắt qua huyện Nam Sách chỉ dài chưa đến sáu ki lô mét.

Tiểu đội công binh được trang bị vũ khí và mìn đầy đủ, lại có cả súng ba-dô-ca. Đánh phá đường xe lửa của địch là một nhiệm vụ tác chiến đặc biệt, việc cấu tạo, sử dụng bom mìn, xẻng, mũi khoan đất đá đòi hỏi nghiệp vụ phải tinh thông.

Chính trong thời gian ngắn ngủi làm chiến sĩ công binh ở đơn vị bộ đội địa phương Kinh Môn đã rèn luyện cho Lệnh kỹ năng xử lý các loại mìn. Sau này khi chỉ huy đơn vị biệt động trinh sát vũ trang thành phố Sài Gòn, anh càng nhớ lại những ngày đầu tiên làm quen với loại vũ khí phá hoại bằng chất nổ. Bộc phá và mìn có uy lực công phá mãnh liệt nhưng là mối nguy hiểm trong cuộc sống của người chiến sĩ công binh cũng như người chiến sĩ trinh sát sau này.

Lệnh nhớ như in trận đầu đánh tàu hỏa mà anh được tham gia. Trước quả pháo 105 ly, tiểu đội trưởng Cưng giảng giải cho anh từng ly từng tý động tác vận hành. Nào là tra kíp nổ vào một quả đạn đại bác, nào lắp mấy chục cục pin vào hộp điện. Lệnh bắt đầu làm quen với dụng cụ đào lỗ đặt mìn có hình dáng kỳ lạ. Đó là một cây sắt dài một mét dùng làm cán, chiếc gàu gắn vào đầu cán có cái lưỡi hình vòng cung dài hơn một gang tay.

Cả tiểu đội lên đường giữa đêm khuya. Lệnh có nhiệm vụ vác bó bao tải để đựng đất mang đi đổ xuống các ao, chuôm. Lúc đến vị trí đã được chọn trước tại quãng đường tàu gần cầu Lai Vu, đội hình công tác được triển khai. Lệnh bám sát anh Cưng, tiểu đội trưởng. Khi hai chiến sĩ gác hai đầu đoạn đường tàu đã chiếm lĩnh vị trí, anh Cưng chọn điểm cho anh em đào lỗ đặt chất nổ trong lòng đất dưới đường tàu. Hai chiến sĩ vác cán xẻng đến, đặt mũi khoan vào đúng vị trí rồi ra sức dùng tay quay cán xẻng. Chếc gàu ngoạm đất rồi ăn sâu dần vào thân nền đường dưới đường

(11)

sắt. Đất ùn ra đến đâu, Lệnh và bốn chiến sĩ xúc gọn vào bao tải mang đi xa để đổ. Công việc từng nhóm cứ nhịp nhàng phối hợp với nhau trong cảnh im vắng đêm khuya. Khoan lỗ xong, Cưng cho đặt chếc đầu đạn đại bác chứa đầy thuốc nổ vào. Dây dẫn điện được rải đều xuống rãnh đất vừa được xẻ ra, sau đó lấp lại, kéo dài đến tận bụi cây là nơi ẩn nấp cho người bấm điện.

Trời vừa rạng sáng cũng là lúc công việc cài đặt chất nổ và dây dẫn xong xuôi. Hiện trường trở lại nguyên trạng chẳng hề lưu lại một tí dấu vết nào khiến bọn lính tuần đường có thể nghi ngờ. Anh Cưng lệnh cho cả tiểu đội lùi xa chỉ để lại một người cùng anh kết thúc trận đánh bằng cú bấm ổ điện.

Đúng như dự đoán của tiểu đội trưởng Cưng, trời vừa sáng đã xuất hiện một toán lính ngụy đi tuần dọc đường tàu. Chúng xuất phát từ đồn trại canh gác bảo vệ cầu Lai Vu. Có lẽ toán lính này không ngờ tới điểm đánh mà du kích Việt Minh lựa chọn lại nằm gần cầu Lai Vu đến thế nên khi kéo qua điểm ấy, bước chân của chúng vẫn đều đặn, chẳng thấy tên nào nghiêng ngó sang hai bên đường, thậm chí tên chỉ huy dẫn đầu không hề cúi đầu xuống quan sát hai bên vệ đường. Toán lính tuần tra đi khỏi điểm đánh một quãng thời gian khá lâu, mặt trời mới đổ lửa xuống cánh đồng nơi tiểu đội công binh ẩn nấp. Nắng gắt. Phần đông chiến sĩ đã ẩn mình dưới những bụi rậm cách đường tàu hàng trăm mét. Duy chỉ có tiểu đội trưởng Cưng cùng một chiến sĩ giỏi thao tác bom mìn trụ lại cạnh một ngôi mả vôi có bụi cây lúp xúp, cứ phải nằm im mà chịu cái nắng rát cổ, rát lưng.

Quãng mười giờ sáng mới nghe tiếng xình xịch của đầu máy xe lửa từ phía Thanh Hà vọng lại. Lệnh nằm nép dưới gốc bụi tre ngà, dõi mắt về hướng điểm đánh. Anh chẳng phát hiện ra một động tĩnh nào ở nơi ẩn nấp của anh Cưng, cách đường tàu chưa tới bốn mươi mét. Đoàn tàu ló ra từ một đoạn đường ray vẫn rung lên ầm ầm. Đầu tàu vừa chạm điểm đánh bỗng rùng mình chao đảo giữa một tiếng nổ điếc tai. Khói đen trùm lên đoạn đầu đoàn tàu. Chiếc đầu máy chao đảo trong tích tắc rồi lật nghiêng xuống một bên, kéo theo mấy toa chở hàng phía sau nhào xuống hàng loạt.

Từ phía ngôi mả vôi, tiểu đội trưởng Cưng kéo tay người chiến sĩ đi cùng chạy lùi ra phía sau hướng về hàng tre nơi cả tiểu đội đang chờ anh. Sự việc diễn ra khá bất ngờ khiến cho mọi người dù đã lường trước vẫn không khỏi ngạc nhiên. Cuộc rút lui bắt đầu. Quãng đường thoát thân an toàn cho tiểu đội đã được tính toán kỹ. Bọn lính đóng ở đầu cầu Lai Vu không kịp phản ứng. Đúng lúc hai người trực tiếp gây nổ vừa chạy đến gần nơi anh em đang chờ thì tiếng đạn cối rít ngang trời tiếp theo là những tiếng nổ chát chúa. Bọn địch không kịp điều bộ binh đánh trả đã dùng súng cối bắn vung vãi hai bên đường tàu.

Tiểu đội trưởng Cưng chạy sang phía đồng đội, vừa chỉ hướng cho anh em rút lui thì bỗng nhiên tê dại cẳng chân, từ từ ngã khuỵu xuống. Anh em tốp đầu đã lẫn vào xóm vắng. Từ khoảng cách khá xa ấy, bỗng có bóng người chạy quay trở lại. Đó là Lệnh. Nhác thấy chỉ huy dính đạn ngã quỵ xuống, Lệnh vội băng băng chạy trở lại bờ tre. Người chiến sĩ đi cùng Cưng đang đỡ đồng chí chỉ huy ngồi dậy. Đạn cối vẫn nở vung vãi khắp nơi. Lệnh xông vào những cụm lửa khói ấy đến sát bên Cưng. Anh hợp sức cùng người chiến sĩ trẻ nâng Cưng đứng dậy rồi cùng xốc nách dìu anh vào xóm vắng người. Cưng bước đi loạng choạng giữa hai người, cố nén cái đau do mảnh cối găm vào đùi. Mấy vòng gạc băng tạm đã đẫm máu từ vết thương ứa ra. Dù sắc mặt hơi tái đi

(12)

do mất máu, anh vẫn giữ được niềm vui do đánh thắng, niềm vui lấp lánh trong đôi mắt kiên nghị của anh. Quàng vai Lệnh, anh nói với người chiến sĩ mới:

- Cậu ra trận lần đầu đánh thắng ngay là có duyên với đời lính. Mình thua cậu ở chỗ vào trận đầu năm kia bị giặc đuổi chạy văng mạng.

Ba người thoát ra khỏi vòng đạn cối lúc mặt trời gần đứng bóng.

Trận thứ hai Lệnh được tham gia là trận đánh đồn Luông bên đường số 5 nối Hải Phòng và Hà Nội, đoạn qua huyện Nam Sách. Đây là một đồn lính khố đỏ, quân số có bốn mươi tên; phần nhiều có gốc gác ở các xã trong huyện. Ban chỉ huy huyện đội Nam Sách chủ trương kết hợp tác chiến với công tác binh vận. Trung đội trưởng Kiểm gọi Lệnh lên trao đổi công tác. Anh hỏi:

- Người xã Minh Tân bị bắt lính đang đóng ở đồn Luông khá nhiều. Em có quen ai không? Lệnh đáp:

- Em có quen thằng Châu, con trai lý trưởng làng Uông Hạ. - Quen như thế nào?

- Nó là bạn học hồi nhỏ với em. Ngày trước, em ghét nó như xúc đất đổ đi. Thế nhưng, sau ngày Cách mạng Tháng Tám, hai đứa chơi thân với nhau.

Anh Kiểm vỗ vai Lệnh, nói:

- Em giả làm cu ly, mon men đến gần đồn Luông tìm gặp nó được không? - Báo cáo anh, việc ấy không khó.

Quả nhiên, trong vai một anh cu ly bốc vác thuê, Lệnh gặp được Châu. Quên hết chuyện cũ thời cày thuê cuốc mướn, quên cả chuyện thúng thóc cứu đói giúp gia đình lý trưởng, hai bạn trẻ vốn cùng đội thiếu niên sau ngày khởi nghĩa trò chuyện ríu rít giữa quán bia. Châu tỏ vẻ cứ ngại cho Lệnh vì nghèo khổ phải đi kiếm sống khắp đó đây. Lệnh hỏi lại:

- Đi lính có lương cao, hẳn Châu thích lắm hả? Châu dãy nảy:

- Thích cái con khỉ. Thằng đồn trưởng Tây hành hạ lính đủ điều. Tao chỉ muốn trốn nhưng chỉ sợ chúng nó về làng hành hạ ông bà già.

- Thế ư, tao có cách.

(13)

Lệnh nói thầm bên tai Châu:

- Mày cứ nhắn ông Hải ra đây gặp người quen. Mọi chuyện sẽ êm xuôi với mày.

Ông Hải là cán bộ xã Ái Quốc, bị địch bắt giam rồi tống vào lính. Đúng hẹn, ông ra quán bia. Người tiếp chuyện ông là một người có dáng vẻ con nhà buôn đường dài. Hóa ra đó là anh Kiểm, trung đội trưởng du kích huyện. Hai người bạn cũ, cùng một lòng một dạ, trao đổi câu chuyện làm ăn với nhau.

Thế rồi vào một đêm yên tĩnh, đúng vào giờ gác của Hải, một số lính được chọn lựa, mở toang hai cánh cổng đồn Luông. Từ quan đến lính trong đồn đang ngủ say, chẳng hay biết gì. Đơn vị du kích tràn vào bắt trói toàn bộ quân đồn trú, kể cả tên đồn trưởng Pháp. Đường về khu du kích êm ru.

Sau trận ấy, Lệnh còn đi theo trung đội trưởng Kiểm đánh hai trận nữa. Trận thứ nhất đánh vào làng tề dọc đường 7 diệt mười tên lính dõng. Trận thứ hai đánh vào nhà một tên tay sai ác ôn của giặc Pháp.

Đầu năm 1949, bộ đội địa phương huyện hành quân từ Chí Linh về Nam Sách để đánh bốt Xi của giặc Pháp. Vị trí này là nơi mới ba năm trước Lệnh làm một anh dân phu phục dịch việc xây cất đồn trại. Các công sự, hầm hào về sau cấu trúc ra sao anh không rõ nhưng địa thế cùng các ngõ ra vào anh còn nhớ như in. Anh An, chính trị viên đại đội hỏi Lệnh rất kỹ về chuyện này. Đặc biệt, ở bốt Xi trong đại đội đồn trú của địch có rất nhiều thanh niên bị bắt đi lính nên cơ sở nội ứng được xây dựng từ trước, có đến bốn, năm người. Chiến thuật tấn công vào bốt Xi cùng dựa vào công tác địch vận như trận đánh đồn Luông trên đường 7. Quân ta bí mật đột nhập vào đồn mới nổ súng, ném lựu đạn vào các mục tiêu định sẵn. Tên đồn trưởng bị diệt ngay từ phút đầu nổ súng. Tuy bị bất ngờ song quân số địch gồm hàng trăm tên, vẫn phản ứng mãnh liệt. Một số chiến sĩ ta bị thương vong nhưng quyết tâm chiến đấu của đơn vị vẫn không hề lay chuyển. Toàn bộ quân địch ở bốt Xi đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống. Anh An, chính trị viên đại đội, lại bảo Lệnh:

- Cậu đi với tớ tới gặp đám tù binh mới bị bắt. Ta sẽ lựa chọn những người còn nhớ đến dân, đến nước, đưa họ lên chiến khu Chí Linh, bổ sung quân số.

Sau trận đánh, đơn vị rút quân nhanh chóng. Riêng Lệnh, anh rời trận địa sau cùng làm liên lạc dẫn đường cho tổ thu dọn chiến lợi phẩm. Đứng trên gò đất ngày trước anh từng lao động phục dịch việc xây đồn, trong niềm vui thắng trận, anh vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Thời gian đi nhanh vậy sao? Tên dân phu bé loắt choắt, là anh, ngày nào lén lấy trộm từng viên đạn của địch, nay đã thành một chiến sĩ trong đoàn quân vừa tiêu diệt bốt Xi. Anh đã trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời quân nhân suốt ba mươi ba năm.

Giữa năm 1949, tiểu đoàn Bạch Đằng được thành lập. Trung đội bộ đội địa phương Nam Sách được biên chế vào đại đội 906 thuộc tiểu đoàn này. Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám trên chiến trường đường quốc lộ 18, tiểu đoàn Bạch Đằng đã phối hợp với các đơn vị chủ lực thuộc các sư đoàn 308 và 316 đánh vào các vị trí quân Pháp ở Tràng Bạch, Nhị Chiểu, Bến Tắm. Sau chiến dịch

(14)

đại đội 906 chuyển sang trung đoàn 238 mới thành lập. Đơn vị này đảm nhiệm công tác bảo vệ vòng ngoài khu căn cứ địa Trung ương Đảng và chính phủ, kết hợp với tiểu đoàn 600 bảo vệ vòng trong.

Kế đến chiến dịch Hòa Bình năm 1952, trung đoàn 238 được lệnh phối hợp chiến trường; phạm vi tác chiến kéo dài từ địa bàn tỉnh Vĩnh Yên cho đến tỉnh Quảng Yên. Các tiểu đoàn 433, 434 của trung đoàn kết hợp chiến đấu với các đơn vị thuộc các sư đoàn 308 và 316 như cũ. Riêng tiểu đoàn 434 trong đó có đại đội của Lệnh được điều lên chiến trường Bắc Giang và Bắc Ninh.

Trận mở màn, quân ta dùng cách đánh độn thổ. Suốt đời, Lệnh không quên được trận đánh này.

Nhiệm vụ của đơn vị là phục kích một trung đội địch hành quân từ đồn Nghị Thiết lên quận Sen Hồ. Đêm trước trận đánh, từng tổ ba người đào hầm trú ẩn cá nhân hai bên đường lớn. Lệnh vốn quen lao động chân tay từ ngày còn ở quê, lại đã quen việc đào bới hầm hào trong những trận đánh mìn dọc đường tàu ở Hải Dương trước đây. Tuy vậy, bắt tay vào đào hố cá nhân, ngụy trang cẩn thận, xóa sạch dấu vết, công việc vừa nặng nhọc, vừa phức tạp và khẩn trương khiến anh mệt rã rời. Đại đội trưởng Thái, vốn là một công nhân xe lửa Gia Lâm, với tác phong nghiêm cẩn đi kiểm tra từng hố một trước khi được ngụy trang bằng rơm rạ. Đến vị trí của Lệnh, anh nhảy hẳn xuống hố kiểm tra độ sâu. Anh bảo Lệnh:

- Chú đào quá sâu thế này là phí sức. Lúc cần nhảy vọt lên mặt đất, hai tay thiếu lực tỳ sẽ dẫn đến chậm hiệp đồng với đồng đội. Cậu sợ trúng đạn bắn thẳng à?

Lệnh ngượng chín mặt. May có bóng đêm che khuất vẻ bối rối của anh. Vậy là mất công khoét hố lại thêm mất công tôn đáy hố lên cao. Hóa ra phí sức gấp đôi. Bỏ thêm công sức không đáng ngại, nhưng câu nói cuối cùng của đại đội trưởng về nỗi sợ đạn bắn thẳng khiến Lệnh chạnh lòng. Nào có anh sợ chết. Chẳng qua lần đầu đánh kiểu độn thổ, anh chưa có kinh nghiệm mà thôi. Lệnh tự nhủ: “trận này phải chứng minh cho cấp chỉ huy thấy rõ mình không phải là một thằng hèn”.

Sau lần kiểm tra trận địa lần cuối cùng của cấp chỉ huy, trận phục kích chìm trong im lặng. Lệnh chưa quen núp dưới hầm, cảm thấy thiếu không khí, khó thở. Bụi đất rơi vãi mỗi khi anh cựa quậy làm chân tay Lệnh bắt đầu ngứa ngáy rân ran. Sực nhớ tới lời trách cứ của đại đội trưởng, anh trừng mắt, nghiến răng trong bóng tối, quyết chịu đựng đến cùng. Trong đầu óc anh chỉ tâm niệm một điều là khi có lệnh phải nhảy phóc lên miệng hố để chiến đấu. Khẩu súng trường Mát cắm sẵn lưỡi lê nằm gọn chắc trong tay Lệnh.

Bỗng có tiếng đạn ba-dô-ca nổ chát chúa trên mặt đường âm vang rung chuyển vách hố. Lệnh nhấc súng, hất tung nắp rơm rạ phủ miệng hố cá nhân, nhảy vọt lên trên. Ánh sáng ban mai chói mắt. Chỉ trong giây lát, Lệnh cùng tổ ba người xông ra mặt đường. Cả đại đội thét vang: “Xung phong!”. Ngay từ những loạt đạn đầu, nhiều tên lính địch bị hạ gục. Những tên khác dù tan tác đội hình vì bị đánh bất ngờ chỉ trong chốc lát đã chống cự quyết liệt. Cả một đại đội địch bị kẹt giữa hai làn đạn, đâm vào thế lúng túng. Cuộc chiến đấu giáp la cà diễn ra ngay trên mặt đường. Lệnh xốc tới, khẩu Mát cắm lưỡi lê xoay chuyển nhoay nhoáy. Trước mặt Lệnh là một tên lính Âu Phi đang tìm lối thoát thân. Lệnh dồn bước chân, rướn tới mấy bước, nhằm mục tiêu trước mặt. Bỗng

(15)

tên lính to cao đang chạy vội quay lại, định xô vào người Lệnh, chẳng một giây chậm trễ, Lệnh phóng mũi lê vào tấm thân phốp pháp của đối thủ. Anh xoay súng định rút lưỡi lê ra, đâm tiếp nhát nữa, chẳng ngờ mũi lê đã cắm chặt vào xương hông của kẻ địch, anh không thể rút ra. Định lấy chân đạp nó ra thì chưa tới tầm. Cứ thế Lệnh nắm chặt khẩu súng xoay ngang sang một bên khiến tấm thân to béo kia cũng phải xoay theo. Trong lúc anh tìm cách xoay xở để thoát khỏi tình thế vừa tức vừa bực này thì một viên đạn của đồng đội nào đó đã hạ gục tên lính Âu Phi.

Chỉ trong hai mươi phút, đại đội 906 đã tiêu diệt gọn một trung đội địch, quân của đồn Nghi Thiết.

Sau trận đánh độn thổ, Lệnh được đề bạt lên tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích của đơn vị. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, mục đích vẫn là hỗ trợ cho mặt trận Hòa Bình.

Đầu năm 1953, tiểu đoàn 434 nhận được lệnh đánh vào quận lỵ Sen Hồ, tỉnh Bắc Giang. Đây là một mục tiêu phải đánh đi đánh lại ba lần. Cứ mỗi trận, Lệnh lại bị thương một lần. Vết thương vừa ổn định lại tiếp tục ra trận.

Trận thứ nhất, mục tiêu là đồn bảo vệ quận lỵ. Lệnh đi trinh sát thực địa về là bắt tay vào việc cấu tạo bộc phá. Đây là một công việc mới mẻ nhưng hấp dẫn đối với một tiểu đội trưởng đang có kỳ vọng tiến xa trên đường binh nghiệp. Anh xin đi thực tế đến các đơn vị thuộc các sư đoàn chủ lực học cách cấu tạo bộc phá đánh hàng rào dây thép gai. Anh nhớ nhập tâm cách họ cắt ống tre dài hơn sải tay, chẻ đôi rồi đục mắt ra sao, lắp hai mảnh ghép rồi bó lại ra sao. Đặc biệt việc giộng thuốc nổ TNT vào ống tre một đầu kín, một đầu hở rồi lắp kíp nổ như thế nào, việc lắp một kíp chính phải kèm theo hai kíp phụ, anh ghi chép, vẽ mô hình lên mặt giấy. Về đơn vị, Lệnh thử làm đi làm lại nhiều lần đến khi thao tác thành thạo mới phổ biến lại cho chiến sĩ.

Đúng vào đêm hai mươi chín tết âm lịch, đầu năm 1953, đơn vị đánh vào quận lỵ Sen Hồ. Tiểu đội của Lệnh thay nhau đặt ống bộc phá dưới hàng rào dây thép gia, gây hàng loạt tiếng nổ vang trời, mở tung cừa khẩu đột phá cho toàn tiểu đoàn. Một trung đội địch lại diệt gọn. Tên quận trưởng Sen Hồ may mắn thoát chết vì đêm bộ đội ta công đồn, hắn đi ngủ nơi khác. Trong trận này, Lệnh bị thương vì một viên đạn xuyên qua bàn chân.

Lần thứ hai, sau khi địch lập lại đồn quận lỵ Sen Hồ, tiểu đoàn 434 do tiểu đoàn trưởng Chu Hoàng Thanh chỉ huy lại nhận được lệnh tấn công tiêu diệt đồn này. Lần này, ngoài hàng rào tre, địch còn thiết lập hai hàng rào dây thép gai trong đó có một hàng rào cuộn dây thép lò xo thả sát mặt đất. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Lệnh lại đảm nhiệm việc cấu tạo bộc phá. Bài bản đã có sẵn, nhưng anh vẫn trăn trở về ca bị thương của hai chiến sĩ dưới quyền trong trận đánh Sen Hồ lần trước. Nguyên do, trong các nụ xòe gắn vào ống bộc phá, có một kíp bị lép, không nổ, khiến người chiến sĩ đặt bộc phá phải đánh tiếp quả thứ hai và trúng đạn của địch. Nghĩ mà thương. Người chiến sĩ đánh bộc phá mở đột phá khẩu, thời cơ hành động rất hạn chế. Khi quả đầu tiên vừa nổ ngoài hàng rào, hỏa lực của địch liền châu vào bắn chặn. Mất yếu tố bất ngờ, chiến sĩ ta dễ bị thương vong. Làm cách nào để hạn chế mức tổn thất quân số đây? Lệnh cứ day dứt trước việc bảo vệ tính mạng của chiến sĩ. Anh liền nghĩ ra cách cấu tạo ống nổ mới. Anh sơ lắp một kíp chính, hai kíp phụ có cái không cháy hết liền tăng liều lượng lên gấp đôi. Trước trận đánh, tiểu đoàn trưởng Thanh xuống kiểm tra bộc phá. Anh xem xét từng ống một rồi bất ngờ hỏi Lệnh:

(16)

- Cậu lắp mấy kíp phụ?

- Báo cáo anh, em lắp bốn kíp phụ. Tiểu đoàn trưởng Thanh kêu lên:

- Cậu vượt quá quy cách rồi. Tới đây, tác chiến dài ngày lấy đâu cho đủ nụ xòe để lắp? Lệnh khẽ khàng thưa:

- Báo cáo anh, trong trận trước vì nụ kíp bị lép nên chiến sĩ của em phải đánh tiếp quả khác, do kéo dài thời gian mà bị thương. Em nghĩ phải tăng liều lượng lên đấy ạ!

Anh Thanh kết luận:

- Tra kíp gấp đôi mà không xin ý kiến cấp trên là vi phạm kỷ luật. Biết chưa? Thương chiến sĩ không phải cách.

Sự thể rành rành ra thế, nhưng các ống bộc phá đã được cấu tạo xong, không thể làm khác được. Cấp trên đành cho sử dụng.

Vào trận, tiểu đội của Lệnh mở đột phá khẩu. Lệnh mang bộc phá vào trước, giật nụ xòe xong, chạy lùi ngay quãng sáu, bảy mét. Bộc phá nổ. Anh ra lệnh cho người thứ hai mang bộc phá lên. Cứ thế, tiểu đội xung kích phá rào trong khoảnh khắc.

Trận ấy, quân ta tiêu diệt bốt Sen Hồ lần thứ hai. Pháo địch từ vị trí Đáp Cầu bắn tới tấp, chặn đường rút lui của đơn vị. Tiểu đội trưởng Lệnh bị một mảnh đạn pháo phạt trúng đùi.

Địch lập lại đồn quận lỵ Sen Hồ.

Bộ đội ta được lệnh đánh đồn này lần thứ ba với ý đồ thu hút lực lượng địch từ các hướng khác phải quay về giữ quận lỵ.

Đối với Lệnh trong ba trận đánh vào quận lỵ Sen Hồ, trận này ác liệt nhất. Số thương vong của bộ đội ta cao hơn hai trận trước. Lệnh lại bị thương lần thứ ba.

Ngay khi quân ta đột phá vào cửa mở, pháo địch từ vị trí Đáp Cầu đã bắn chặn vòng ngoài. Đạn nổ chát chúa chen lẫn với tiếng nổ ầm ào của bộc phá.

Lệnh xách tiểu liên dẫn đầu tiểu đội đánh vào trung tâm, phối hợp nhịp nhàng với các mũi khác. Trên đường tiến sâu vào trung tâm đồn địch chợt vấp phải một hàng rào lò xo. Lúc này bộc phá đã hết. Không một chút chần chừ, Lệnh nằm xuống, dơ súng dỡ cuộn dây thép gai lên cho đồng đội trườn vào. Bỗng Lệnh thấy cánh tay tê dại. Một viên đạn đã bắn trúng cánh tay anh, may không chạm xương. Địch phản ứng điên cuồng. Khi đồn địch đang cầm cự hoảng loạn, đạn pháo địch câu tới sát rạt hàng rào, đại đội trưởng Thái bị thương. Lệnh vượt qua làn đạn địch, kéo anh xuống giao thông hào ẩn náu. Tuy bị thương vào tay nhưng Lệnh vẫn cầm tiểu liên tiếp tục chiến

(17)

đấu cùng đồng đội. Trên đường đưa thương binh rời trận địa, một lần nữa Lệnh bị thương ở chân do mảnh pháo văng tới. Sau trận Sen Hồ lần thứ ba, Nguyễn Văn Lệnh được phong vượt cấp từ tiểu đội trưởng lên trung đội trưởng, không phải qua cấp trung đội phó. Tại Đại hội thi đua liên khu Việt Bắc năm 1953, anh được bầu là chiến sĩ thi đua cấp quân khu và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Cũng trong năm ấy, Lệnh tham gia trận đánh vào trường hạ sĩ quan Bắc Ninh của giặc Pháp. Anh lại lập công xuất sắc được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm, trung đội trưởng Nguyễn Văn Lệnh liên tiếp chỉ huy đơn vị đánh đồn Võ Giàng, đồn Chân Cầu, đồn Đạo Than và đồn Vân Thai.

Tin chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng vang dậy đồng bằng Bắc bộ khi đại đội của Lệnh đang đánh địch trên đường quốc lộ số 5, vừa đánh đồn vừa tấn công vào các đoàn xe địch lưu thông giữa Hải Phòng và Hà Nội. Về đồng bằng, Lệnh được đề bạt lên đại đội phó đại đội 216, tiểu đoàn 434, trung đoàn 238.

TRINH SÁT VÀO NỘI ĐÔ SÀI GÒN

Tháng Ba năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập (nay là bộ đội biên phòng). Nhiệm vụ của lực lượng vừa bảo vệ các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước bảo vệ các cơ quan trung ương, vừa bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên phòng.

Đơn vị của Lệnh vốn đã từng bảo vệ trung ương ở Việt Bắc thời chống Pháp, nay chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang, một thành phần của ngành công an.

Lệnh được bố trí vào Cục Trinh sát. Anh học tập nghiệp vụ ngay trong công tác thực tế. Chuyên án TB2 ở miền tây tỉnh Thanh Hóa là trận đánh nghiệp vụ đầu tiên Lệnh được cử tham gia đội trinh sát.

Trong những năm 1959 - 1962, một phần đất Lào tiếp giáp biên giới Việt Nam bị quân đội phái hữu Lào chiếm đóng. Đế quốc Mỹ và tay sai triệt để lợi dụng đặc điểm địa lý, lịch sử, dân cư gây ra các vụ tranh chấp biên giới, thường xuyên phái người xâm nhập vào biên giới nước ta, để thu thập tình báo, móc nối xây dựng cơ sở, gây phỉ, xưng vua, kích động bạo loạn. Trên đất Lào, Mỹ càng ngày càng nắm chắc bọn phái hữu, lại tiếp tay cho ngụy quyền Sài Gòn trong các âm mưu phá hoại miền Bắc. Trần Văn Đôn, Tổng trưởng quốc phòng, Trần Kim Tuyến, giám đốc Nha nghiên cứu chính trị xã hội (thực chất là cơ quan tình báo) trực tiếp gặp Stander, Trưởng phái đoàn quân sự Mỹ, Ban Klét, Trưởng phái đoàn phối hợp an ninh giữa Mỹ và bọn tướng tá phái hữu ở Viên Chăn để xúc tiến thành lập các trung tâm, huấn luyện gián điệp, biệt kích hỗn hợp ở Mường Xôi, Căm Cớt, Lạc Xao, Xê Nô, Pắc Xê…

Ngày 15 tháng 11 năm 1959, trinh sát đồn biên phòng Quang Chiểu (Thanh Hóa) phát hiện và bắt tên Quàng Xen, cơ sở giao thông của tổ chức phản động Thái lưu vong cắm ở Đan Hào

(18)

(Sầm Nưa). Y có nhiệm vụ mang thư của tên Phìa Thấu từ bên Lào sang cho tên Tạo Bông ở Quang Chiểu, gọi tên này sang Lào làm việc.

Theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đơn vị biên phòng Thanh Hóa lập chuyên án TB2. Trong tổ chức đánh án có năm chiến sĩ trinh sát tham gia. Chuyên án kéo dài sang năm 1961 vẫn chưa phăn ra manh mối tổ chức của địch. Cục Trinh sát cử thêm thượng úy Nguyễn Văn Lệnh vào, tăng cường lực lượng trinh sát; chỉ trong thời gian ngắn, Lệnh phát hiện ra điểm yếu của tổ trinh sát là vận dụng nghiệp vụ đơn thuần theo dõi đối tượng mà không đi sâu vào công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở tiến tới bao vây đối tượng. Đề xuất của Lệnh được cấp trên chấp thuận. Cục trinh sát tăng cường sự chỉ đạo. Rốt cuộc đường dây hoạt động của bọn phản động bị bóc trần. Mưu toan của Mỹ và bọn phản động Lào tập hợp bọn phản động Thái lưu vong lập “xứ Thái tự trị” do tên Lò Khâm Thi làm chủ tịch đã bị vạch trần.

Bên đất Lào, chúng xây dựng căn cứ ở hai địa bàn Đan Hào và Xốp Hào thuộc tỉnh Sầm Nưa, từ đó tung tay sai sang miền tây Thanh Hóa. Tên Cai Nghinh, chỉ huy đồn Xốp Hào tiếp tay đắc lực cho bọn này. Bên trong, chúng chủ trương phát triển lực lượng ở khu vực Quang Chiểu, thành lập bộ chỉ huy bạo loạn.

Chuyên án kết thúc. Ta bắt hơn hai mươi đối tượng đưa ra tòa xét xử. Trận đánh đã góp phần giữ vững an ninh biên giới, phục vụ kịp thời công cuộc xây dựng kinh tế và cải cách dân chủ ở địa phương.

Do lập được thành tích xuất sắc, năm 1962, Nguyễn Văn Lệnh được cử vào đoàn cán bộ trinh sát sang Liên Xô học tập nghiệp vụ công tác trinh sát biên phòng.

Sau khóa học, anh về nước, rồi lại được cử sang Lào giúp huấn luyện đặc công theo yêu cầu của bạn.

Lệnh vượt biên giới, đoạn tỉnh Sơn La sang bản Huổi Nao. Đây là một địa bàn an toàn, người dân tộc Mông ở rải rác thành nhiều nhóm nhỏ kéo dài đến tận chân núi Pa Thí. Đơn vị bạn được huấn luyện là một trung đội địa phương thoát ly, chuẩn bị phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam thâm nhập căn cứ Pa Thí nhằm phá tan dàn ra đa trên đỉnh núi chuyên môn dẫn đường cho máy bay Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam và vùng thượng Lào. Lệnh ở cùng anh trung đội trưởng Ba Nênh, người thạo tiếng Việt. Anh tranh thủ vừa làm việc, vừa học tiếng Mông; chỉ trong vòng ba tháng, anh đã tạm đủ tiếng để giao tiếp.

Đơn vị thoát ly ngoài rừng thường xuyên bị lính ma-ki (du kích) của Vàng Pao đến thăm dò ban đêm. Đã có nhiều lần, chiến sĩ tuần tra của bạn đã phải nổ súng. Lệnh nhận ra tình thế thoát ly dễ bị địch tập kích liền đề nghị Ba Nênh cho bộ đội vào hẳn trong bản, hàng ngày lao động giúp người dân mọi công việc nương rẫy. Từ đó, bọn phỉ Vàng Pao không dám vào bản, vì dân chúng đã gắn bó với chiến sĩ Pathet Lào, có động tĩnh gì về phía bọn phỉ là có người báo tin cho bộ đội. Tuy vậy, với linh tính nhạy bén của một chiến sĩ trinh sát, Lệnh thấy vẻ yên tĩnh ở Huổi Nao cũng như các bản lân cận chỉ là bề ngoài. Có cái gì khác lạ đang âm thầm diễn ra trong cộng đồng người Mông. Đó là những nén hương cháy tận gốc cắm cạnh các chòi ngô. Đó là hiện tượng nhiều nhà dân làm thịt gà trắng. Với kinh nghiệm của một chiến sĩ trinh sát biên phòng, Lệnh nắm bắt được tín hiệu của một vụ xưng vua sắp xảy ra trên địa bàn. Ngoài những giờ hướng dẫn nghiệp vụ cho

(19)

đơn vị bạn, anh lân la khắp bản trên, xóm dưới để nắm bắt tình hình. Anh vào thẳng một nhà vừa mổ gà trắng, mớ lông chưa kịp mang đi đổ. Chủ nhà là một ông trung niên bị ghẻ hườm loét bắp chân. Mấy băng vải đen xé ra từ quần áo cũ cuốn tròn quanh cẳng chân phải của anh ta. Sau một hồi trò chuyện thăm hỏi bệnh tình của ông ta, Lệnh nói:

- Người Việt chúng tôi gọi chứng này là bệnh sâu quảng. Nó gây loét da, khoét thịt đến tận ống xương. Phải chữa gấp mới được.

Người kia hỏi:

- Cán bộ có chữa được không? - Được ! - Lệnh trả lời chắc chắn.

Ngay sau đó, anh dùng thuốc kháng sinh mang theo vừa tán bột rắc vào vết thương, vừa cho người bệnh uống. Trong vòng chỉ có một tuần, vết loét không phát triển nữa, rồi da non bắt đầu xuất hiện quanh vết thương. Anh chủ nhà tên Tếch tỏ vẻ vui mừng ra mặt. Lệnh ngửi thấy mùi hương từ trong buồng kín bay ra, biết chắc chủ nhà Tếch đang cúng gà trắng cầu cho vua Mông ra. Anh nói thẳng với Tếch:

- Anh đang cúng cầu cho vua ra à? Tếch lúng túng đáp:

- Người Mông ta cúng ma, cầu cho mùa ngô này mà.

- Anh có biết rằng hôm nay cầu vua, ngày mai sẽ có người kéo anh đi họp, phát súng cho anh, đưa anh vào nơi chết chóc không? Vàng Pao đang cần mộ lính ma-ki cho Mỹ. Anh thích sống yên lành như bây giờ hay xa vợ con để đi vào nơi máu đổ?

Tếch im lặng không nói gì. Lệnh nói tiếp:

- Bộ đội Pathet Lào không để cho Vàng Pao bắt dân Mông ta đến Pa Thí chết thay cho quân của hắn. Anh Tếch phải mở to mắt ra mà nhìn cho rõ âm mưu của Vàng Pao. Anh có muốn nhà cửa, con người bản Huổi Nao ta đang yên lành bỗng sa vào cảnh người chết, nhà cháy không?

Tếch trả lời ngay:

- Không đâu! Không đâu!

- Vậy thì anh phải bỏ lễ cúng vua, sau đó, đến các nhà nói cho họ nghe lời nói phải.

Tếch hơi ngập ngừng lúc ấy, nhưng ngày hôm sau đã cùng Ba Nênh đến từng nhà nói rõ âm mưu của Vàng Pao lôi kéo dân đi theo phỉ, mở đầu bằng lễ cúng vua Mông. Bản Huổi Nao trở lại cuộc sống bình yên. Cũng từ đó, bọn lính ma-ki không còn lảng vảng đến địa bàn Huổi Nao quấy rối nữa.

(20)

Đơn vị địa phương Pathet Lào được rèn luyện kỹ năng trinh sát đã sẵn sàng phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam xâm nhập căn cứ Pa Thí của quân phái hữu Lào.

Một hôm, đang giữa buổi lên lớp, có đồng chí liên lạc từ Sơn La sang. Nguyễn Văn Lệnh nhận được mệnh lệnh cấp tốc trở về nước để nhận nhiệm vụ mới. Ngay trong ngày, anh có mặt ở đồn biên phòng Sốp Cộp, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Một chiếc xe Bắc Kinh đang chờ sẵn để chở anh về Hà Nội. Dọc đường anh đoán sẽ đi học một khóa nghiệp vụ nào đó. Không ngờ, vừa về đến cơ quan, đồng chí cục phó Nguyễn Hoàn không nói gì đến công tác mới mà bảo anh:

- Cho phép đồng chí về nhà nghỉ nửa tháng, sau đó lên cơ quan nhận nhiệm vụ mới.

Chị Kim Anh, vợ anh, thấy chồng đột ngột trở về nhà, đáng lẽ vui mừng lại hỏi ngay, giọng đầy vẻ ngạc nhiên:

- Tại sao anh bảo đi một năm mà lại về sớm thế? Có chuyện gì xảy ra với anh à? Anh trả lời vui vẻ:

- Cấp trên cho nghỉ phép thì cứ nghỉ cái đã. Anh sẽ ở nhà phục vụ em nửa tháng. Nửa tháng sau, hết phép, anh lên trình diện thủ trưởng. Đồng chí cục phó nói với anh: - Đồng chí là một cán bộ tốt nên chúng tôi chọn trong đợt cán bộ đi B lần này.

Hồi bấy giờ, công tác tổ chức các đoàn đi vào chiến trường miền Nam còn nằm trong vòng bí mật. Lệnh lặng lẽ sang lớp tập huấn do Bộ Công an mở, không báo cho gia đình biết. Lớp học kéo dài ba tháng. Những cuộc tập hành quân, trèo đèo, lội suối, đeo gạch nặng trong ba lô, kéo dài triền miên. Vào giữa những ngày giáp tết cuối năm 1964, đoàn chiến sĩ Công an vũ trang lên đường gồm năm mươi đồng chí. Đoàn trưởng là đại úy Nguyễn Công Tâm, một sĩ quan đã từng sang Liên Xô học cùng khóa với Lệnh. Đồng chí trưởng đoàn thấy Lệnh hăng hái hành quân, dọc đường còn san sẻ mang vác súng, bao gạo cho các đồng đội yếu sức, liền điều Lệnh lên giúp việc ban chỉ huy trong hành quân. Lệnh có nhiệm vụ đi liên lạc với các tổ trong đoàn.

Dọc đường Trường Sơn, đến lúc đoàn cạn lương thực có lúc đã phải đào củ, hái lá trong rừng, việc gì Lệnh cũng xung phong đi trước.

Sau ba tháng hành quân, đoàn đi tới đích, đến chiến trường B2, nhập vào cơ quan Ban An ninh Trung ương Cục.

Anh Nguyễn Công Tâm được bố trí xuống Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, mật hiệu là T4. Số năm chục cán bộ, chiến sĩ mới vào được hướng dẫn về trạm nghỉ. Một hôm, một đồng chí ủy viên Ban an ninh Miền xuống trạm, truyền đạt chỉ thị:

- Sắp tới đây sẽ mở một đợt hoạt động quân sự - Ngành An ninh phải xuống địa bàn quy định rà soát mọi tình hình, làm trong sạch vùng trú quân của Công trường 9 (sư đoàn 9) quân Giải phóng.

(21)

Nói xong, đồng chí ấy đọc danh sách một tiểu đội gồm mười người đi làm nhiệm vụ. Lệnh nghe đọc tên mình, thấy phấn khởi trong lòng: Anh vui vẻ nghĩ bụng: “Mình vừa vào chiến trường được giao công tác ngay, lại là một công tác phù hợp với nghiệp vụ trinh sát, còn gì vui hơn”.

Đồng chí cấp trên trải rộng tấm bản đồ Bình Long, chỉ rõ địa bàn đóng quân của sư đoàn 9. Tiểu đội chiến sĩ an ninh rải ra các thôn bản Đa Kia, Chiềng, Đồng Xoài, vào ở với dân, cùng ăn, cùng làm với họ. Nhìn trên bản đồ, Lệnh đoán ngay ra mục tiêu tấn công của sư đoàn 9 sẽ là thị trấn Lộc Ninh. Những ngày tháng đầu tiên vào chiến trường, anh được sống cùng đồng bào bản địa, tìm hiểu dân tình, cảm thấy may mắn bất ngờ. Trước hết, vùng này là nơi lập nghiệp của bà con dân phu cao su. Rất nhiều gia đình từ miền Bắc vào đây từ những năm 1930, kể đến nay là mấy đời. Đó là những người lao động có tấm lòng chân thật, trung thực, gắn bó với cách mạng từ thời chống Pháp. Sống bên cạnh họ, Lệnh được truyền thêm sức mạnh tinh thần, được nâng cao ý chí chiến đấu. Những bản làng đồng bào Tiêng, tuy đời sống vất vả khó khăn nhưng hết lòng ủng hộ bộ đội. Chính nhờ dựa vào những người lao động dù là người Kinh hay người dân tộc mà tiểu đội an ninh đã phát hiện ra bọn tay sai Mỹ - Thiệu trà trộn vào vùng căn cứ để làm chỉ điểm hay mật báo viên. Công tác làm trong sạch địa bàn khu vực đóng quân của bộ đội quân giải phóng suốt ba tháng diễn ra trận đánh Lộc Ninh đã dạy cho Lệnh nhiều bài học sâu sắc về công tác vận động quần chúng, điều kiện tiên quyết để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Cũng chính trên vùng cao Bình Long, anh học được những từ ngữ trong cách nói của người miền Nam khác với tiếng Bắc. Chẳng hạn gọi thìa, cốc phải chuyển sang gọi là muỗng, ly, nước ngọt gọi là xá xị. Những từ ngữ thông thường tưởng là đơn giản nhưng sau này đã giúp anh nhiều trong việc giao tiếp của một chiến sĩ trinh sát đi vào cuộc sống xã hội hóa.

Sau ba tháng đi công tác ở Bình Long, Lệnh trở về căn cứ Ban An ninh R.

Một hôm, một người đạp xe đạp đến trạm khách tìm gặp Lệnh. Anh nhận ra đại úy Nguyễn Công Tâm, trưởng đoàn đi B cùng anh, vừa mới ngày nào chia tay nhau khi anh Tâm được cử xuống Ban An ninh T4.

Lệnh hỏi anh Tâm:

- Anh lên R để báo cáo công tác à? Anh Tâm nói ngay:

- Mình lên Ban An ninh để xin Lệnh về T4 đây. Bây giờ bí danh của mình là Ba Hiệp. Không ai gọi mình là Tâm nữa. Nào, có muốn về đơn vị mình không?

Lệnh nghĩ bụng: “vào chiến trường, lạ nước lạ cái được ở cùng với anh Tâm là một dịp may”. Anh nhận lời ngay.

Nhưng việc điều động Lệnh về T4 không dễ dàng chút nào. Đồng chí Mười Thạnh là Ủy viên Ban An ninh Miền, trực tiếp quản lý số cán bộ chiến sĩ vừa đi công tác ở Phước Long về. Ông trả lời Ba Hiệp:

(22)

Ba Hiệp hỏi gặng:

- Báo cáo thủ trưởng vì sao không được?

- Vì đồng chí Nguyễn Văn Lệnh đã có hướng bố trí rồi. Qua đợt công tác ở Phước Long, lãnh đạo Ban đánh giá đây là một cán bộ năng nổ, giỏi làm công tác dân vận lại rành về nghiệp vụ trinh sát nên giữ lại để đào tạo nguồn đấy. Đồng chí về báo cáo với anh Tư Trọng là Ban không thể đáp ứng yêu cầu của T4 được.

Cuộc tiếp xúc thất bại. Hôm sau, Ba Hiệp lại xin gặp ông Mười Thạnh, giọng nói không còn năn nỉ như lần trước.

- Trong nghị quyết của Ban An ninh Miền sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân có điểm nhấn mạnh tăng cường bổ sung cán bộ cho An ninh T4. Địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn là trọng điểm cần ưu tiên bổ sung cán bộ. Chắc thủ trưởng cũng coi trọng vị trí của Sài Gòn đối với cách mạng miền Nam.

Nghe nhắc đến nghị quyết của Ban An ninh Miền, ông Mười Thạnh im lặng, không bắt bẻ gì thêm.

Mãi hồi lâu ông mới hỏi lại Ba Hiệp:

- Nhưng tại sao các anh lại xin đích danh đồng chí Nguyễn Văn Lệnh?

- Báo cáo, tôi cùng anh ấy đã từng đi học nghiệp vụ bên Liên Xô. Dọc đường hành quân vào chiến trường tôi đã chứng kiến anh ấy bền bỉ, hăng hái phục vụ ban chỉ huy đoàn, chẳng hề chùn bước trước bom đạn, rắn rết cùng thú dữ, chẳng hề dao động những ngày bị đói khát hành hạ….

Ông Mười Thạnh ngắt lời Ba Hiệp:

- Thôi, thôi. Anh chẳng phải quảng cáo dài dòng nữa. Tôi chấp nhận đề nghị của An ninh T4. Được chưa?

- Báo cáo, xin cảm ơn anh Mười.

Ba Hiệp chuyển đổi cách xưng hô, khiến thủ trưởng Mười Thạnh nở một nụ cười thông cảm. Ông nói:

- Chúng tôi đã thử thách anh Lệnh trong ba tháng vừa qua. Bổ sung anh ấy về T4, tôi sẽ vất vả chọn lựa người thay thế, anh có hiểu không?

Vậy là Nguyễn Văn Lệnh nhận được quyết định bổ sung cho Ban An ninh T4. Đơn vị đóng ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lệnh đạp xe từ R ở Xa Mát, Tây Ninh về Bến Cát mất trọn một ngày đường. Anh Ba Hiệp nói tình hình cơ quan cho Lệnh rõ:

Referências

Documentos relacionados

Os modelos de regressão linear simples e múltipla criados para identificar os fatores associados à pontuação na Escala de Sono Diurna Pediátrica em adolescentes

Desde 1920, pesquisadores brasileiros e estrangeiros têm efetuado coleta de germoplasma das espécies e raças silvestres de algodoeiro do Brasil. hirsutum L raça marie

Este trabalho apresenta como objetivo a caracterização de compósitos entre blendas de poliolefinas recicladas, (PP/PE)rec, com fibras de açaí, obtidas do descarte do processamento do

As restrições do problema estão relacionados aos limites operativos (turbinagem e armazenamento) máximos e mínimos da usina hidroelétrica, e o atendimento a demanda que é

1h semanal de aula on-line através da ferramenta JITSI na plataforma AVA para as disciplinas de Língua Portuguesa, Matemática, Ciências e Educação Física; 45 min. para as

40% da nota atribuída aos trabalhos feitos pela Plataforma Moodle e 60% pela avaliação presencial aplicada nos polos..

Muito bem, agora inale e contraia o músculo anal, segure assim pelo tempo que for confortável para você.. Relaxe seu corpo e sinta as sensações que isto provoca; sensações que

ATKINSON foi advogado, comerciante e escritor norte americano nascido em l862 e falecido em l932. Dedicou-se à difusão da Filosofia Iogue e do Ocultismo Oriental no ocidente,